Để tạo điều kiện cho các đội tham dự có thêm cơ hội cọ xát, môn bóng chuyền nữ SEA Games 32 tổ chức những trận đấu phân hạng từ 5 đến 8. Nhờ vậy, các đội tuyển không lọt vào vòng bán kết vẫn được thi đấu thêm 2 trận nữa.
Dù không còn mang ý nghĩa tranh huy chương, những trận đấu phân hạng vẫn diễn ra rất quyết liệt. Các đội tỏ ra cân tài cân sức và thường phải cần tới 5 séc đấu mới phân định thắng bại.
Tuy nhiên, chủ nhà Campuchia lại quyết định không tham dự loạt trận phân hạng. Ở trận đầu tiên gặp Malaysia hôm 13/5, đội tuyển bóng chuyền nữ Campuchia không có mặt tại địa điểm thi đấu và bị xử thua 0-3.
Theo lịch thi đấu, tuyển Campuchia còn có thêm 1 trận đấu phân hạng 7-8 gặp tuyển Myanmar. Các cầu thủ Myanmar đến sân khởi động đúng giờ và sẵn sàng cho cuộc đọ sức. Nhưng một lần nữa tuyển Campuchia lại không đến sân mà chấp nhận kết quả thua 0-3.
Sau ít phút tự chia đôi đội hình ra thi đấu nội bộ, tuyển Myanmar chụp ảnh lưu niệm rồi ra về. Sân thi đấu trở thành nơi để các trọng tài và tình nguyện viên giao lưu bóng chuyền với nhau.
Các cầu thủ Myanmar chụp ảnh lưu niệm rồi ra về, nhường sân đấu lại cho các trọng tài và tình nguyện viên.
Dư luận Campuchia tỏ ra tiếc nuối với quyết định bỏ cuộc của đội nhà. Trong quá khứ, bóng chuyền nữ Campuchia từng giành HCĐ Asiad vào năm 1970. Song mãi tới năm 2021, đội tuyển bóng chuyền nữ nước này mới được tái thành lập để chuẩn bị cho SEA Games 32.
Không ít người hâm mộ lo lắng đặt câu hỏi liệu rằng các cầu thủ bóng chuyền nữ Campuchia có cơ hội tham dự kỳ SEA Games tiếp theo tại Thái Lan vào năm 2025.
Đội tuyển bóng chuyền nữ Campuchia (áo trắng) xếp hạng 8/8 tại SEA Games 32.