Tại thị trấn Dessau của Đức nơi có trường nghệ thuật Bauhaus nổi tiếng, một viện được thành lập năm 1921 để sản xuất vắc xin hỗ trợ cho chính quyền lúc bấy giờ. 100 năm sau, địa điểm này đang được chỉnh trang để có thể sản xuất vắc xin Covid-19 cho chương trình ứng phó với đại dịch Covid-19 của chính phủ Đức.
Từ Australia cho đến Thái Lan, chính phủ nhiều nước đang lên kế hoạch xây dựng những nhà máy vắc xin Covid-19, mục tiêu này nếu thành công sẽ định hình lại ngành công nghiệp vắc xin Covid-19 trên toàn cầu.
Việc xây dựng nhà máy vắc xin Covid-19 tại đây nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như trung ương bởi các bên đều đang muốn đảm bảo nguồn cung vắc xin cho nội địa và sau này phục vụ cho xuất khẩu.
Thống đốc bang Sachsen-Anhalts, ông Reiner Haseloff, cho biết ông tin nước Đức sẽ có thể trở thành nước sản xuất vắc xin Covid-19 lớn của thế giới theo cách mà các công ty năng lượng duy trì được năng lực cung cấp trong các bối cảnh nhu cầu diễn biến khác nhau.
“Nói chung, điều này cũng giống như trong ngành năng lượng khi mà nhà nước trả tiền để duy trì các nhà máy điện”, ông Haseloff nói với Reuters.
Không giống như tại Mỹ nơi mà chương trình OWS của chính phủ cấp tiền cho quá trình nghiên cứu và phát triển vắc xin Covid-19 ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch, rất ít quốc gia trên thế giới có đủ tiềm lực để lèo lái các doanh nghiệp. Đức thuộc nhóm khoảng 6 nước trên thế giới đang cố gắng ngăn chặn tình trạng thiếu vắc xin Covid-19 bằng việc hỗ trợ cho các công ty dược phẩm địa phương.
Chính phủ một số nước bao gồm Australia, Brazil, Nhật và Thái Lan đang thành lập các liên doanh sản xuất với hãng dược phẩm Thụy Điển AstraZeneca PLC. Italy đang cam kết hỗ trợ tài chính cho trung tâm sản xuất vắc xin Covid-19 kết hợp công – tư còn Austria, Đan Mạch và Israel lập quỹ nghiên cứu và phát triển chung đồng thời sẽ tìm cách để sản xuất vắc xin Covid-19 riêng của họ.
Ấn Độ có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất vắc xin Covid-19 trên toàn cầu. Mỹ, Nhật và Australia cũng có kế hoạch cấp tiền cho hoạt động sản xuất vắc xin Covid-19 tại đây, theo chia sẻ của quan chức chính quyền Mỹ với Reuters.
Động thái trên nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm vắc xin Covid-19. Khi mà vắc xin Covid-19 giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc khởi động lại các nền kinh tế, chính phủ nhiều nước đã ký kết các hợp đồng mua trước để đảm bảo nguồn cung.
Tình trạng khan hiếm vắc xin Covid-19 tại châu Âu đã cho thấy rằng những nước nào phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài sẽ rất dễ chịu tác động. Tháng 1/2021, AstraZeneca công bố sẽ cắt giảm 50% nguồn cung vắc xin Covid-19 cho khối này trong quý 1 và quý 2/2021, cùng lúc đó thông báo với Brussels sẽ không thể dành cho nước này lượng vắc xin đã cam kết với London.
Thông tin này lập tức làm thổi bùng lên căng thẳng giữa London và Brussels và khiến cho giới chức châu Âu lập tức đưa ra biện pháp hạn chế xuất khẩu vắc xin Covid-19 được sản xuất tại EU ngay từ tháng này. Chính quyền Italy mới đây đã chặn xuất khẩu lô vắc xin Covid-19 do AstraZeneca sản xuất tại nước này.
Đức là nước nhập khẩu ròng tất cả các loại vắc xin, riêng trong lĩnh vực này Đức thâm hụt đến 720 triệu USD. Berlin muốn thay đổi điều này, và kế hoạch phát triển viện vi khuẩn của các hạt Anhalt được nói đến ở đầu bài phục vụ cho mục đích này. Giờ đây, một doanh nghiệp gia đình, chính phủ Đức và AstraZeneca đang có kế hoạch đầu tư khoảng 100 triệu euro tương đương 120 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất vắc xin Covid-19.
Công ty cho biết đang đặt mục tiêu sẽ sản xuất khoảng từ 30 đến 40 triệu liều vắc xin Covid-19 mỗi tháng từ cuối năm 2022, cung cấp chủ yếu vắc xin cho nước Đức, thậm chí đặt mục tiêu trở thành một trong những nhà sản xuất vắc xin Covid-19 lớn nhất châu Âu, bổ sung thêm ít nhất 360 triệu liều vắc xin Covid-19 mỗi năm từ bên trong EU.
Các cuộc tranh cãi trước đây về vắc xin Covid-19 giữa các nước đồng minh thực ra không phải mới. Trong dịch cúm năm 1976, Mỹ đã chặn việc xuất khẩu vắc xin chính vì thế cản trở kế hoạch tiêm vắc xin tại Canada. Sau đó phía Canada đã học được bài học: trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009, Canada chờ cho đại dịch qua đi và sau đó quyên góp chỗ vắc xin thừa cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trong những năm sau đại dịch năm 2009, Washington sau đó đã chi ra hàng trăm triệu USD cho một vài công ty để xây dựng các kênh sản xuất vắc xin tư nhân để có thể sử dụng cho mục đích sản xuất vắc xin số lượng lớn ngay trong biên giới nước này.