Lo lắng bẫy nợ
Chiến lược nhằm lấy được sự ủng hộ giới lãnh đạo các quốc gia đối tác thông qua các thỏa thuận kinh tế lớn của Bắc Kinh dường như đang trở nên mong manh hơn. Philippines, Malaysia và Indonesia đều có các dấu hiệu từ chối ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte có xu hướng "ngả" về Bắc Kinh đã theo đuổi mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc và đánh giá thấp các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, sau 3 năm trong nhiệm kỳ của mình, nhà lãnh đạo Philippines đang phải đối mặt với những phản ứng dữ dội về mối quan hệ với Trung Quốc.
Một mặt, một số lượng lớn người Philippines đang lo lắng về viễn cảnh "bẫy nợ" xuất phát từ lời hứa đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn tại Philippines của Trung Quốc.
Đầu năm nay, Phó thẩm phán Tòa án tối cao Philippines, ông Antonio Carpio, cho rằng các thỏa thuận đầu tư mà chính phủ Philippines đàm phán đã làm suy yếu chủ quyền của Philippines.
Cụ thể, Phó Thẩm phán cáo buộc rằng chính phủ đã đặt tài sản từ các quốc gia, bao gồm cả tài nguyên dầu khí trong vùng biển Philippines, như một tài sản thế chấp cho các khoản vay cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
"Đừng bao giờ ngây thơ về ý định của Trung Quốc", ông nói.
Trên thực tế, sau sự phẫn nộ của dư luận, Tổng thống Duterte đã buộc phải kêu gọi xem xét lại tất cả các hợp đồng cơ sở hạ tầng lớn với Bắc Kinh.
Nhưng nguyên nhân của sự lo lắng lớn hơn là các hành vi hung hăng của Trung Quốc trên biển Philippines, trong đó có việc một tàu Trung Quốc bị nghi ngờ đâm vào tàu đánh cá Philippines hồi tháng 6, nhà nghiên cứu người Philippines Richard Heydarian cho hay.
Theo Khảo sát, 93% người dân Philippines muốn chính quyền giành lại quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Bất chấp những nỗ lực tốt nhất của Duterte để mô tả Trung Quốc là một nước láng giềng thân thiện, quốc gia này vẫn là cường quốc nước ngoài ít được ưa thích nhất trong dư luận, theo khảo sát của Pulse Asia hồi đầu năm nay.
Sự ủng hộ cho Mỹ đang lớn hơn?
Ở nước láng giềng Malaysia, thái độ phản đối Trung Quốc đã thúc đẩy một sự thay đổi hoàn toàn. Năm ngoái, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã gây ra một cú sốc khi chấm dứt sự lãnh đạo dài hàng thập kỷ của đảng UMNO.
Trong suốt chiến dịch bầu cử của mình, Mahathir liên tục cáo buộc người tiền nhiệm của mình, Najib Razak, phá hoại chủ quyền của đất nước bằng cách mạo hiểm với bẫy nợ từ các thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc.
Tại Indonesia, phản ứng với Trung Quốc đã có bước ngoặt đen tối hơn. Tổng thống Joko Widodo đã nhiều lần bị tấn công bởi các đối thủ của ông, đặc biệt là lãnh đạo phe đối lập, ông Mitchowo Subianto, vì cho là đã nhân nhượng trước Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Indonesia thậm chí còn phải đối mặt với các câu hỏi về nguồn gốc của mình, khi các đối thủ của ông đã đưa thông tin sai rằng ông là người gốc Hoa.
Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, quan điểm ủng hộ của Trung Quốc ở Indonesia đã giảm từ mức cao 66% trong năm 2014 xuống còn 53% vào năm 2014.
Kết quả khảo sát này được đưa ra khi tuyên bố chủ quyền "Đường 9 đoạn" sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông chồng lấn với vùng biển của Quần đảo Natuna của Indonesia.
Ngay cả người Singapore gốc Hoa đang có một đường lối cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Singapore gần đây đã thông qua luật nhằm chống lại các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trên khắp châu Á, đang có sự lo lắng đối với chính sách đối ngoại gần đây của Trung Quốc, bao gồm chủ nghĩa bành trướng hàng hải ở vùng biển và các thỏa thuận đầu tư gây tranh cãi, nhà nghiên cứu người Philippines lý giải.
Điều này phần nào giải thích một ưu tiên gần như phổ biến ở khu vực cho Mỹ ở vai trò lãnh đạo. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew năm ngoái, 7/10 người được hỏi trên khắp châu Á ủng hộ sự lãnh đạo của Washington hơn Bắc Kinh.