Ngày 17/7, tại phiên toà xét xử sơ thẩm 24 bị cáo liên quan vụ án buôn lậu hơn 6 tấn vàng thỏi từ Campuchia về Việt Nam, xảy ra tại TP.HCM, Tây Ninh và một số tỉnh lân cận, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Ngọc Giàu cùng 17 - 18 năm tù; Nguyễn Thị Kim Phượng (em gái của Giàu) 15 - 16 năm tù, Nguyễn Thị Thúy Hằng 10 - 11 năm tù, Trần Thanh Thắng 12 - 13 năm tù; và 19 đồng phạm từ 5 - 14 năm tù về cùng tội buôn lậu.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị HĐXX buộc các bị cáo nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính; tịch thu tiền, vàng thu giữ trong quá trình khám xét liên quan hành vi phạm tội của các bị cáo và số tiền các bị cáo nộp khắc phục hậu quả. Kê biên phong tỏa tài sản trong vụ án để đảm bảo việc thi hành án.
Theo VKS, căn cứ hồ sơ vụ án và xét hỏi tại tòa có đủ căn cứ xác định cáo trạng của VKSND tối cao truy tố 24 bị cáo về tội buôn lậu là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
Các bị cáo đều là người hiểu biết, nhận thức được quy định pháp luật nhưng vì kiếm lời đã tham gia đường dây buôn lậu vàng với những nhiệm vụ, vai trò khác nhau. Trong đó, số lượng vàng với hơn 6 tấn, trị giá hơn 8.000 tỷ đồng.
Vị đại diện VKS cho rằng, việc buôn lậu vàng ngày càng phức tạp, hành vi của các bị cáo đã gây tác hại xấu đến sự ổn định phát triển ngành vàng, đồng thời ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước trong việc kinh doanh vàng.
Theo cáo trạng, lợi dụng thị trường có nhu cầu tiêu thụ vàng miếng, vàng nguyên liệu và thấy giá vàng trong nước cao hơn Campuchia, từ đầu năm 2022, bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng (43 tuổi, quê Bình Định) và bị cáo Nguyễn Thị Thúy Hằng (chủ tiệm vàng Phúc Hằng) móc nối Nguyễn Thị Ngọc Giàu (44 tuổi, ngụ Tây Ninh) thiết lập, tổ chức, điều hành 2 đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam, qua cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh). Số vàng này sau đó được bán lại cho khách hàng trong nước nhằm thu lợi bất chính.
Trong đó, một đường dây buôn lậu do Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu, móc nối với Giàu, có 20 người tham gia, buôn lậu 4.830 kg vàng thỏi, trị giá hơn 6.600 tỷ đồng, trong thời gian từ 3/8 - 28/9/2022.
Sau khi mua 4.830 kg vàng thỏi, Phụng đã bán lại cho bị can Huỳnh Minh Khánh (tiệm vàng Khánh Kim Loan) 560 kg, bị can Nguyễn Thị Minh (tiệm vàng Kim Hiền Bình Minh) 268 kg, bị can Đặng Thị Thanh Hằng (Hà Nội) 294 kg, 36 khách hàng khác 1.828 kg; bán cho khách lẻ không xác định được lai lịch là 1.804 kg; còn lại 76 kg Cơ quan điều tra phát hiện, tạm giữ.
Đường dây thứ 2, do Nguyễn Thị Kim Phượng (em gái của Giàu) cầm đầu, móc nối với Giàu, Nguyễn Thị Thúy Hằng và 3 người khác tham gia, buôn lậu 1.320 kg vàng thỏi, trị giá hơn 1.800 tỷ đồng, trong thời gian từ 16/7 - 28/9/2022.
Trong đó, Phượng hưởng lợi 132.000 USD, tương đương hơn 3 tỷ đồng, Giàu hưởng lợi hơn 3,7 tỷ đồng.
Theo điều tra, đường dây của Phụng thu lợi bất chính hơn 17 tỷ đồng, trong đó Phụng hưởng lợi trên 2,4 tỷ đồng, nhóm của Giàu hưởng lợi 13,8 tỷ đồng, nhóm của Nguyễn Qúi Trường hưởng lợi gần 1,5 tỷ đồng.
Liên quan vụ án, Cơ quan điều tra Bộ Công an nhận thấy sai phạm của các cá nhân thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu Chàng Riệc nên đã chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu có liên quan đến CQĐT Hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Đối với các cá nhân thuộc An ninh sân bay Tân Sơn Nhất, kết quả điều tra cho thấy ngày 28/9/2022, bị cáo Đặng Nam Trung di chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội, mang theo vàng nguyên khối. Công văn của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết hành lý của Trung không có vật phẩm nguy hiểm bị cấm, do đó không có căn cứ xử lý nhân viên an ninh sân bay.
Trong sổ sách của nhóm bị cáo Phụng, có một số khách hàng mua vàng lậu được ký hiệu. Cơ quan chức năng xác định những khách hàng này không biết vàng mua là vàng lậu nên không có căn cứ xử lý hình sự.