Trận động đất lớn nhất là 9,5 độ richter
PGS.TS Cao Đình Triều, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam, cho biết, trận động đất có cường độ lớn nhất thế giới ghi nhận được xảy ra ở Chile vào ngày 21/5/1960 với độ lớn 9,5, gây ra sóng thần, làm 5.000 người chết. Đây là trận động đất lớn nhất đã xảy ra kể từ khi ước tính chính xác về cường độ có thể xảy ra vào đầu những năm 1900.
Chile là quốc gia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương (Vành đai địa chấn Thái Bình Dương). Đây là khu vực bao quanh Thái Bình Dương, có chiều dài lên tới 40.000 km, nơi xảy ra rất nhiều trận động đất và phun trào núi lửa thuộc hàng mạnh nhất trên Trái đất.
Vào lúc 4 giờ 17 phút sáng (giờ địa phương) ngày 6/2/2023, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra tại phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria. Đầu giờ chiều, một trận động đất thứ hai với cường độ 7,5 độ richter, gần như mạnh bằng trận động đất đầu tiên làm rung chuyển vùng Ekinözü, một huyện thuộc tỉnh Kahramanmaraş, Thổ Nhĩ Kỳ. Đến ngày 7/2, số người chết do động đất đã tăng lên 5.894 và hơn 34.000 người bị thương.
Cũng theo PGS.TS Cao Đình Triều, Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một trong những quốc gia hoạt động địa chất mạnh nhất thế giới vì nằm trên mảng Anatolian, giữa hai đường đứt gãy lớn. Chu kỳ những trận động đất lớn rất dài, đây có thể là lý do khiến người ta chủ quan, không có các biện pháp phòng chống dài hạn.
Ở Việt Nam, trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận được có độ lớn 6,7 độ richter, xảy ra ở Tuần Giáo, Điện Biên năm 1983. Chu kỳ để xuất hiện động đất có độ lớn như vậy ở Việt Nam là 450 năm. Trên thế giới, những trận động đất lớn như xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ có chu kỳ lặp lại hàng nghìn năm.
Một trong những nguyên nhân khiến thiệt hại do động đất rất lớn là người ta không thể dự báo được động đất, mà chỉ có thể cảnh báo dựa trên chu kỳ xuất hiện các trận động đất lớn.
Những nguyên nhân gây thiệt hại trong động đất
PGS.TS Cao Đình Triều cho rằng, thiệt hại do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Hai nguyên nhân chính là nền đất yếu và kết cấu công trình yếu, không bảo đảm các yêu cầu kháng chấn.
Thực tế cho thấy, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) hay Philippines là những quốc gia thường xuyên có động đất do nằm trên vành đai Tây Thái Bình Dương. Nhưng các quốc gia này có những quy định rất nghiêm ngặt về xây dựng các công trình nhà ở, nhà cao tầng. Các công trình phải đáp ứng được yêu cầu về kháng chấn để ứng phó với động đất. Do vậy, dù xảy ra động đất thường xuyên thì cũng không gây thiệt hại nặng nề về người.
Nói về trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa xảy ra, PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, một trận động đất 7,8 độ richter là rất mạnh, đặc biệt đối với những trận động đất có tâm chấn trên đất liền. Hầu hết các trận động đất mạnh thường xảy ra dưới đại dương, cách xa khu dân cư.
“Ngoài độ lớn của động đất thì tâm chấn cũng quyết định đến thiệt hại. Tâm chấn càng nông thì thiệt hại càng lớn. Nền đất càng yếu thì công trình càng dễ đổ sập. Cùng là động đất với cường độ đó, nhưng nơi có nền đất yếu sẽ dễ dàng cảm nhận được rung lắc, trong khi nơi có nền đất ổn định thì không”, PGS.TS Cao Đình Triều cho hay.
Có phải những trận động đất lớn đều xảy ra vào ban đêm? PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, có ý kiến cho rằng do tác động của Mặt trăng nên các trận động đất xảy ra vào ban đêm là chính. Nhưng đây mới chỉ là thống kê chứ chưa có nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này.
PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, thống kê cho thấy, thế kỷ 20 cho đến đầu thế kỷ 21 có 67 trận động đất có độ lớn cực đại trên 8,0 độ richter. 4 trận động đất mạnh nhất của thế kỷ 20 là động đất xảy ra tại Ecuador năm 1906 có độ lớn 8,7; động đất tại Chile năm 1960 có độ lớn 9,5; động đất ở Alaska năm 1964 có độ lớn 9,2 và động đất ở Sumatra năm 2004 có độ lớn 9,0.
Trong thế kỷ 20 có khoảng 1,7 - 2,2 triệu người chết vì động đất. Con số thương vong do động đất gấp khoảng 10 lần số người thiệt mạng. Số trận động đất gây chết hơn 1.000 người là 134 trận và động đất gây chết hơn 10.000 người là 38 trận. Số người thiệt mạng do động đất chiếm khoảng 26 - 34% số người chết cùng thời gian đó.
Nhìn chung, các trận động đất lớn xảy ra trên vành đai động đất (vành đai động đất Thái Bình Dương, vành đai động đất Địa Trung Hải - Hymalaya...) và các nước vùng Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Những vùng có hoạt động động đất lớn nhất nằm ở châu Á là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Nhật Bản, Pakistan, Indonesia và Philippines.