Một bức ảnh hiếm hoi của Pelorus Jack. Ảnh: Amusingplanet
Con vật này được ví như viên ngọc quý hiếm về nhiều mặt: không chỉ vì sứ mệnh cao cả của nó mà còn vì thực tế nó vốn là loài cá heo hiếm xuất hiện tại vùng biển trên.
Những hình ảnh chụp được cho thấy Pelorus Jack là cá heo Risso, một loài cực kỳ khó tìm ở New Zealand với khoảng 12 cá thể tại thời điểm đó. Nó được mô tả là có lớp da màu trắng, pha lẫn các khoảng màu xám và có cái đầu tròn trịa.
Không ai có thể xác định giới tính của chú cá heo này. Nhưng với kích thước ước lượng khoảng 2,7 - 4,3 mét, Pelorus Jack nhiều khả năng là con đực. Cá heo cái Risso không dài quá 3,7 mét, trong khi con đực có xu hướng dài hơn 4 mét.
Đoạn cuối Đảo Nam của New Zealand đầy rẫy các vịnh hẹp có vị trí phức tạp, đặc biệt là dải nước được gọi là French Pass nằm giữ đảo Rangitoto ki te Tonga và bờ đất liền của Vịnh Tasman. Tàu thuyền thường tránh đi qua đây vì khu vực này có dòng chảy rất mạnh, có thể dễ dàng xô đẩy tàu đâm vào đá. Nỗ lực đầu tiên của người châu Âu nhằm chinh phục vùng vịnh này đã suýt trở thành thảm họa.
Năm 1827, Đô đốc người Pháp Dumont d'Urville đã chỉ đạo cho hoa tiêu của tàu chiến Astrolabe tiến thẳng vào French Pass, thay vì đi vòng quanh đảo Rangitoto ki te Tonga rồi vượt qua các vùng biển giao nhau rộng lớn.
Khi tàu chiến Astrolabe đi vào vùng hẹp nhất của French Pass, nó nghiêng về một bên và bị thủy triều dâng cao xô gần về phía bờ đá. Ngay cả khi các thủy thủ phải đấu tranh để giành lại quyền kiểm soát con tàu, Astrolabe đã va phải đá hai lần và bị trôi dạt vào rạn san hô. Sau sự cố, Đô đốc d'Urville cấm các tàu chiến khác đi vào French Pass, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng.
Đáng kinh ngạc, hơn 60 năm sau, French Pass trở thành tuyến đường thủy phổ biến cho các con tàu đi lại giữa Eo biển Cook, mặc dù vẫn hung dữ như ngày nào. Không phải tàu thuyền trở nên dễ điều hướng hơn hay các thủy thủ đã khéo léo hơn, vậy điều gì đã thay đổi? Đó là sự xuất hiện của một chú cá heo luôn tận tụy hộ tống các tàu hơi nước đi qua vùng nước nguy hiểm này.
Lần đầu tiên Pelorus Jack xuất hiện bên cạnh tàu biển là năm 1888. Khi đó, nó xuất hiện trước mũi thuyền buồm cỡ lớn mang tên Brindle khi nó tiến vào French Pass. Lúc thủy thủ nhìn thấy nó ngụp, lặn trước mũi tàu, họ đã định giết nó, song phu nhân của thuyền trưởng đã kịp thời ngăn cản. Trước sự kinh ngạc những người có mặt trên thuyền, con vật bắt đầu dẫn đường cho họ đi qua dải nước chật hẹp. Và từ đó, Pelorus Jack đã hộ tống an toàn cho phần lớn các con tàu qua lại giữa thủ đô Wellington và thành phố Nelson trên Đảo Nam. Mặc dù có đá ngầm lởm chởm cùng dòng chảy mạnh, nơi đây không còn xảy ra không vụ đắm tàu nào nhờ sự xuất hiện của chú cá heo "hoa tiêu" này.
Tên gọi của nó được cho là bắt nguồn từ vịnh Pelorus, một dải nước dài ngoằn ngoèo mà nó hay lui tới để chờ đợi tàu thuyền. Nó sẽ bơi dọc theo, hoặc phóng trước mũi tàu khoảng 8km đến cửa Eo biển French Pass, song không bao giờ đi qua nó. Trong hành trình ngược lại, nó đợi những con tàu ra khỏi French Pass và đưa chúng đến tận mũi đất Clay Point rồi sẽ lại biến mất.
Trên thực tế, Pelorus Jack lại hay kén chọn bạn đồng hành. Nó thường bỏ qua những con tàu vỏ gỗ và tàu buồm, chỉ chọn đi cùng với những tàu hơi nước vỏ thép mạnh mẽ nhất, hay nói cách khác là những loại tàu có phần mũi rẽ sóng mạnh nhất để chú cá này thoải mái đùa nghịch.
Nhiều năm trôi qua, Pelorus Jack đã trở thành một sinh vật nổi tiếng, thu hút vô số khách tham quan. Nhà văn người Mỹ Mark Twain và nhà văn người Anh Frank T. Bullen cũng nằm trong số những du khách đã tìm đến để chiêm ngưỡng chú cá heo Risso này. Nó đã nhiều lần được vinh danh trên báo chí địa phương cùng những tấm bưu thiếp.
Đáng tiếc, sự nổi tiếng cũng khiến nó trở thành mục tiêu của những hành động ác ý. Năm 1904, một thủy thủ say rượu trên tàu SS Penguin đã bắn súng vào Pelorus Jack và làm nó bị thương. May mắn thay, những hành khách khác đã la hét cảnh báo cho thủy thủ đoàn để khống chế anh ta. Sau vụ tấn công hôm đó, Pelorus Jack đã biến mất vài ngày rồi trở lại với vết sẹo trên người. Kể từ đó, chú cá heo huyền thoại không bao giờ đi cùng với tàu SS Penguin nữa. Việc chiếc tàu hơi nước này bị chìm ngoài khơi bờ biển phía Nam Wellington trong một ngày thời tiết xấu không lâu sau đó đã càng củng cố cho truyền thuyết rằng nếu một con tàu bị cá heo bỏ rơi thì cuối cùng sẽ gặp kết cục chết chóc.
Công chúng đã yêu cầu chính quyền cấp quyền bảo vệ hợp pháp cho Pelorus Jack. Đến năm 1904, Thống đốc Lord Plunket ký sắc lệnh cấm săn bắt chú cá heo huyền thoại này tại Eo biển Cook và vùng phụ cận, kèm theo các khoản phạt từ 5 - 100 bảng Anh. Nhờ vậy, New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp quyền bảo vệ hợp pháp cho một sinh vật biển duy nhất.
Không ai biết chính xác Pelorus Jack chết thế nào. Khi già đi, chắc chắn nó đã bơi chậm lại và những con tàu đi qua thường giảm tốc độ để bám theo người bạn đồng hành già.
Nhưng cuối cùng, con cá heo đã biến mất. Lần nhìn thấy cuối cùng được cho là vào tháng 4/1912.
Nhiều người đồn đoán rằng một nhóm thợ săn cá voi Na Uy ở vịnh Pelorus đã bắt Pelorus Jack. Sau này, người canh gác ngọn hải đăng ở French Pass là Charlie Moeller lại khẳng định đã trông thấy xác Pelorus Jack dạt vào bờ biển. Ngoài ra, khi đã 24 tuổi, cái chết vì tuổi già cũng không thể tránh khỏi.
Huyền thoại về "người bảo vệ" biển cả Pelorus Jack vẫn tiếp tục ghi dấu ấn trong thế giới hiện đại. Scotland có một điệu nhảy nổi tiếng được đặt theo tên Pelorus Jack, với những động tác tựa như vũ điệu bơi lội của nó. Đến năm 1989, Pelorus Jack được chọn làm biểu tượng của con phà liên đảo đi từ Wellington đến Picton qua Eo biển Cook. Năm 2016, người ta đã đúc một bức tượng đồng của chú cá này với kích thước như thật và đặt trên mũi đất Collinet nhìn ra French Pass.