Chốt sổ 2023, cây ‘châu báu’ này mang về cho Việt Nam 3 tỷ USD: Sản lượng top 3 thế giới, Trung Quốc giá nào cũng mua

Như Quỳnh |

Hiện Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia đứng đầu ngành hàng này.

Chốt sổ 2023, cây ‘châu báu’ này mang về cho Việt Nam 3 tỷ USD: Sản lượng top 3 thế giới, Trung Quốc giá nào cũng mua- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 12 đạt 268.759 tấn với trị giá hơn 373 triệu USD, tăng 6,1% về lượng và tăng 7,3% về trị giá so với tháng 11. Tính chung trong cả năm 2023, nước ta thu về từ xuất khẩu cao su hơn 2,8 tỷ USD, tương đương với hơn 2,1 triệu tấn, giảm nhẹ 0,1% về lượng và giảm 12,8% về trị giá so với năm 2022.

Giá xuất khẩu mặt hàng này cũng đã sụt giảm so với năm 2022, đạt bình quân 1.350 USD/tấn, giảm 12,6% so với cùng kỳ.

Trong năm 2023, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3, SVR 20...

Nhắc đến cao su, Trung Quốc luôn là khách hàng lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua dù giá cao su biến động tăng hay giảm với tỷ trọng luôn vượt qua 60%. Kết thúc năm 2023, nước ta xuất sang Trung Quốc 1,7 triệu tấn cao su, thu về hơn 2,2 tỷ USD, tăng 6,6% về lượng nhưng giảm 4,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm tỷ trọng 78%. Năm 2023 cũng là năm ghi nhận tỷ trọng của Trung Quốc cao nhất trong 5 năm gần đây. Với lợi thế giá thành rẻ cùng nguồn cung cao su dồi dào, các đối tác Trung Quốc luôn thích mua cao su sơ chế từ Việt Nam.

Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.330 USD/tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ.

Chốt sổ 2023, cây ‘châu báu’ này mang về cho Việt Nam 3 tỷ USD: Sản lượng top 3 thế giới, Trung Quốc giá nào cũng mua- Ảnh 3.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

So sánh về sản lượng, trong năm 2022, diện tích cao su Việt Nam đạt 929.500 ha, sản lượng đạt gần 1,29 triệu tấn. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2021.

Tại Trung Quốc, từ trước tới nay cao su là mặt hàng mà quốc gia này luôn ở tình trạng khan hiếm và phải bù đắp bằng nhập khẩu. Một lượng lớn cao su được dùng để sản xuất lốp xe - bộ phận cực quan trọng của ngành công nghiệp ô tô. Trong năm 2023, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới với nhu cầu trong những năm tới được dự báo vẫn sẽ ở mức cao.

Vào tháng 10 vừa qua, Wang Lijuan, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su tự nhiên Trung Quốc cho biết tại một diễn đàn ở Thượng Hải rằng nền kinh tế số hai thế giới cần hơn 6 triệu tấn cao su tự nhiên mỗi năm, chiếm đến 40% sản lượng toàn cầu. Theo bà Wang, năm ngoái, Trung Quốc đã sản xuất 856.000 tấn cao su trong nước, chủ yếu đến từ tỉnh đảo phía Nam Hải Nam và một phần của tỉnh Vân Nam phía Tây Nam.

Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG) ước tính, tổng nhu cầu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp trên thế giới năm 2023 là 30,64 triệu tấn, tăng 2,6% so với năm 2022. Trong đó, mức tiêu thụ cao su tự nhiên tăng 2,1%. 

Năm 2024, dự kiến Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tiêu thụ ô tô cũng như thúc đẩy các hoạt động sản xuất, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cao su để sản xuất lốp xe và các sản phẩm khác tăng lên. Việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su sẽ là động lực tăng giá cao su toàn cầu. Trong khi, gần 80% tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam là được xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, biến động của giá dầu do lo ngại gián đoạn thương mại tại kênh đào Suez cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp lên giá cao su.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại