Nhân Nguyễn (một cô dâu người Việt đang sống cùng gia đình chồng tại Mỹ) lớn lên cùng món phở. Hồi Nhân còn nhỏ, mẹ cô mở tiệm phở để nuôi sống gia đình, nên hương vị phở với Nhân còn là hương vị của ký ức, của tình yêu thương, của sự thân thuộc quê nhà.
Từ khi chuyển về sống tại một vùng nông thôn thuộc bang Arkansas, ở trong trang viên rộng của bố mẹ chồng, nỗi nhớ nhà, nhớ phở trong Nhân lại càng da diết hơn. Có hôm, vợ muốn nấu phở đãi cả nhà nhưng lại không có sẵn thịt bò, Jason Sciss, chồng Nhân nảy ra ý tưởng đi săn nai về cho vợ nấu nướng.
Thịt nai có độ ngon không kém thịt bò, vừa hay lại tới mùa săn bắn nai, nên Jason rất háo hức. Nhân kể: “Mỗi khi Jason đi săn nai, anh thường mặc đồ rất nổi, màu xanh nõn chuối và màu cam. Đây là quy định của chính phủ trong mùa săn bắn, để mọi người có thể dễ dàng phân biệt người và động vật, tránh đạn lạc.
Chỉ những người có giấy phép mới được săn bắn hoặc câu cá khi tới mùa. Năm nay, mỗi giấy phép được săn 6 con nai. Jason nói anh tính săn 1 - 2 con thôi. Nai lớn lắm, chừng đó là đủ cho nhà ăn, săn nhiều hơn thì tủ lạnh không có chỗ chứa. Với cũng để chúng còn sinh sản tiếp nữa. Tận hưởng thiên nhiên nhưng cũng cần giữ gìn nữa.
Nhà chức trách cũng khuyến khích mọi người săn xong thì đem nộp đầu nai để cơ quan y tế kiểm tra xem liệu trong thịt có nhiễm khuẩn gì, có chất gì ảnh hưởng đến động vật không, nếu có thì họ còn can thiệp. Anh Jason nhà mình cũng đem nộp, và được báo lại là thịt rất an toàn”.
Chia sẻ thêm về chuyện săn nai, Nhân cho biết ở nơi cô sống, chính phủ khuyến khích săn nai làm thực phẩm. Lý do là bầy nai tự nhiên sinh sản rất mạnh, là một tác nhân phá hoại cây trồng, vườn tược của người dân. Chúng cũng thường lao ra đường, gây cản trở giao thông hoặc gây tai nạn rất nguy hiểm.
Phần thịt nai Nhân chuẩn bị đem xay và thành phẩm nai viên
Sau khi có thịt nai, Nhân làm món nai viên và dành phần thịt ngon, mềm để cắt mỏng làm thịt tái. Năm nay là lần đầu tiên Nhân làm thịt nai viên, với công thức tương tự như bò viên. Cô cảm thấy rất ưng ý vì thành phẩm rất ngon, có hương vị và kết cấu tương tự bò viên.
Để nấu phở, Nhân phải tự tay trồng giá và rau gia vị. Nơi gia đình cô sống cách siêu thị rất xa, lại không có người châu Á nên giá, hành lá, ngò… rất hiếm. Nhân phải tự thân vận động.
Cô tâm sự: “Mẹ Nhân bán phở từ hồi Nhân 5 - 6 tuổi, khoảng hơn 10 năm thì dẹp quán vì mẹ bận giữ cháu ngoại cho anh chị hai đi làm. Nhân còn nhớ, hồi đó để có nồi nước lèo hoàn chỉnh mất rất nhiều thời gian. Mẹ mua xương và chân bò ở lò mổ, anh trai ngâm rửa sạch sẽ, hầm đến chiều rồi lọc lấy nước cốt sáng hôm sau để mẹ bán hàng.
Hôm nào người ra giao xương ống thì tụi mình sẽ được ăn tủy bò còn giao xương sườn thì sẽ có cả thau xí quách chấm muối tiêu. Giờ nhắc lại thấy thèm ghê, chứ hồi đó ăn nhiều quá thì mình thấy ngán dữ lắm, kiểu dư thừa thì không thấy quý.
Còn nhớ có một thời gian nhà quá khó khăn, bán phở sáng thôi chưa đủ, mẹ với chị lớn bày ra buổi tối bán ở lề đường. Lúc đó mình và chị kế còn nhỏ tuổi nên phải ở nhà học bài. Tối không có mẹ nhà vắng vẻ, hai chị em cứ lủi thủi trong nhà. Lúc đó chưa hiểu chuyện còn trách mẹ tự nhiên ham vui đi bán bỏ mình ở nhà.
Sau này lớn rồi, thỉnh thoảng buổi tối đi đường gặp mưa, thấy cảnh hàng quán đìu hiu, người bán co cụm ủ rũ bên gánh hàng mới cảm nhận được xưa mẹ và chị đã vất vả thế nào. Từ hồi mẹ nghỉ bán đến tận bây giờ, Nhân lâu lâu lại nằm mơ được ăn tô phở của mẹ”.
Trong căn bếp nhỏ xa quê mẹ đến cả nửa vòng trái đất, Nhân không nấu phở cầu kỳ được như mẹ làm khi xưa. Cô lấy nước lèo nai viên luộc nấu cùng hồi, quế, gừng, sả và một số gia vị khác; dọn món cùng nai viên, thịt tái và ăn kèm giá sống. Cả nhà đều khen món ăn rất đặc biệt, không thể ăn được ở nhà hàng, vì thịt nai viên và nai tái là đặc sản hiếm có.
“Đứng bên nồi phở nghi ngút khói mà mình nhớ mẹ da diết, nhớ cảnh mẹ đẩy xe phở ra đường bán khi mà người ta còn đang ngủ. Chỉ mong lâu lâu nữa, khi mình về nhà vẫn còn gặp mẹ, được ăn tô phở mẹ nấu”, xúc động, Nhân cho hay.
Nàng dâu Việt tích cực "phổ cập" ẩm thực Việt Nam cho gia đình