Con gái bỗng dưng mất liên lạc với mẹ
Những ngày vừa qua, dư luận Malaysia vẫn chưa hết bàng hoàng trước một vụ án mạng xảy ra tại thị trấn Parit Buntar, bang Perak của nước này. Mối quan hệ giữa thủ phạm và nạn nhân là điều khiến nhiều người đau xót, và có lẽ sẽ khiến nhiều bậc cha mẹ phải xem lại cách dạy con của bản thân.
Theo ông Mior Faridalathrash Wahid, một cảnh sát đại diện cho Đồn cảnh sát địa phương, sau khi chồng mất cách đây 12 năm, nạn nhân tạm gọi là bà A, 68 tuổi đang sống cùng một cậu con trai 42 tuổi, tạm gọi là B trong một căn nhà tại thị trấn Parit Buntar.
Hàng ngày, bà A và con trai thường đi nhặt phế liệu về bán nên nhà ở của họ cũng chất đầy những đồ bỏ đi, theo lời hàng xóm là rất chật chội và bẩn thỉu. Cũng chính vì điều này mà không mấy khi có ai lui tới chơi bời ở nhà bà A.
Nhà bà A, nơi bà sinh sống cùng con trai B, 42 tuổi.
Bà A còn có một người con gái út, tạm gọi là C, tuy không sống cùng mẹ và anh trai nhưng ngày nào cũng lui tới để chăm sóc, thăm nom mẹ rất chu đáo.
Tuy nhiên, vào ngày thứ Bảy, 28/5 vừa qua, khi cô này gọi điện cho mẹ thì không gặp được. Thay vào đó, người nghe máy là B. B nói với em gái là mẹ đã đi đâu đó mà mãi vẫn chưa quay về.
Cảm thấy có chuyện gì đó không ổn, C đã nhanh chóng báo cảnh sát điều tra sự mất tích của mẹ vào 3 rưỡi chiều cùng ngày.
Cảnh sát không tìm được gì, nhưng hàng xóm ngửi thấy mùi lạ
Nhận được tin báo của C, một Đội cảnh sát điều tra tội phạm ở địa phương đã nhanh chóng có mặt tại nhà của bà A để hỏi thăm thông tin của bà A.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, họ chỉ thấy rằng căn nhà của bà A sinh sống cùng con trai chứa đầy các loại rác rưởi, phế thải, đồ tái chế mà thôi. Sau khi hỏi B một vài câu hỏi liên quan, họ đã ra về mà không tìm ra bất kỳ một manh mối nào.
Cảnh sát Mior Faridalathrash Wahid trả lời truyền thông.
Sau đó đúng 1 tuần, tức là vào ngày thứ Bảy, 4/6, một người hàng xóm của B đã liên lạc với cảnh sát và nói rằng "ở nhà B có mùi gì đó rất khủng khiếp, không thể nào chịu được".
Khi các cảnh sát điều tra cùng với Đội khám nghiệm Pháp y bang Perak được phái tới để kiểm tra, họ tìm thấy những tấm gỗ che chắn ở phần cống rãnh phía sau ngôi nhà của B.
"Khi những tấm gỗ này được nhấc lên, đội pháp y đã phát hiện ra các phần thi thể của bà A. Chúng tôi cũng tìm thấy các hung khí giết người ở hiện trường là 1 dao rựa, 2 con dao gọt hoa quả và một số vật dụng khác", ông Mior phát biểu với phóng viên.
Câu chuyện được đăng tải trên nhiều tờ báo của Malaysia.
Được biết, thi thể nạn nhân đang trong quá trình phân hủy, B lập tức bị bắt giữ vì là nghi phạm hàng đầu và sẽ được điều tra theo điều 302 của Bộ luật Hình sự Malaysia.
Theo cảnh sát Mior, động cơ gây án của B là vì sự bất mãn trong cách phân chia tài sản mà chồng của bà A để lại. Có thể B muốn được thừa hưởng phần lớn, hoặc tất cả, nhưng bà A không đồng ý.
Sự uất hận của B đối với mẹ có lẽ đã tích tụ từ lâu, chỉ đợi thời cơ thích hợp để ra tay. Cảnh sát Mior cho biết, B đã có tiền sử mắc bệnh tâm thần từ cách đây 20 năm và có thể đó là lý do chính khiến hắn ra tay tàn độc như vậy với mẹ ruột của mình.
Tuy nhiên, nếu động cơ liên quan đến tài sản, thì hẳn là B không hoàn toàn có vấn đề về thần kinh mà phải có sự tỉnh táo nhất định. Do đó, vụ án cũng khiến cho nhiều người trăn trở và phải đặt ra câu hỏi: Tại sao con cái có thể gây ra tội ác tày trời như vậy với người đã có công sinh thành và dưỡng dục với mình?
Để trả lời câu hỏi này, có lẽ chúng ta cần phân tích từ góc độ tâm lý tội phạm.
Góc nhìn từ chuyên gia tội phạm học
Một bài viết trên website Psychology Today của Mỹ đã phân tích rằng có 3 loại con cái dễ phạm tội giết cha mẹ. Thứ nhất là những đứa trẻ bị ngược đãi nặng nề, bị dồn đến đường cùng. Loại thứ hai là những đứa trẻ có bệnh về thần kinh thuộc loại nặng. Và loại thứ ba là những đứa trẻ ưa thích các tin tức giật gân - những đứa trẻ thuộc dạng phản xã hội ở mức nguy hiểm.
Trẻ bị ngược đãi nghiêm trọng là loại tội phạm thường gặp nhất. Theo Paul Mones - một luật sư tại Los Angeles chuyên biện hộ cho thanh thiếu niên phạm tội giết cha mẹ, hơn 90% trong số thân chủ của luật sư Paul đã bị cha mẹ ngược đãi.
Paul Mones, luật sư tại Los Angeles, Mỹ.
Chân dung tỉ mỉ của những thanh thiếu niên này thường cho thấy chúng giết người vì không thể chịu đựng được những hoàn cảnh trái ngang hoặc sự bất công trong nhà mình. Những đứa trẻ này bị hành hạ về mặt tâm lý bởi cha hoặc mẹ hoặc cả hai, chúng thường chịu đựng ngược đãi thể xác, tình dục, tổn thương bằng lời nói, cũng như chứng kiến cảnh những người trong gia đình mình bị ngược đãi.
Thông thường, những đứa trẻ đó không có tiền sử bệnh tâm thần nặng hay có hành vi phạm tội nghiêm trọng. Chúng không rành về phạm tội. Đối với chúng, việc tàn sát tượng trưng cho hành động của sự tuyệt vọng - cách duy nhất để thoát khỏi tình cảnh gia đình mà chúng không thể chịu đựng thêm nữa.
*****************
Mặc dù mỗi vụ án đều có những tính chất, yếu tố riêng biệt, và có thể chỉ là cá biệt mà không đại diện cho những trường hợp khác, nhưng nhiều chuyên gia tâm lý đã đồng tình rằng, nếu bố mẹ chú ý hơn trong việc giáo dục con cái đúng cách, dùng tình yêu thương, sự bao dung, sự công bằng thay vì dùng tới đòn roi, bạo lực và sự bất công với con, hay dạy con làm người lương thiện, kiếm tiền chân chính thay vì trông chờ vào những vận may "từ trên trời rơi xuống" thì có lẽ những xung đột trong gia đình, nếu có, cũng sẽ có thể được giải quyết một cách thấu đáo, êm đẹp, và tránh được nhiều trường hợp đáng tiếc.
Dịch từ các báo nước ngoài