"Mẹ ngồi trên bàn thờ, ba bị công an bắt"
Trong phiên tòa lưu động sáng nay (21/6/2016), những người đến xem không khỏi xúc động khi thấy hai đứa con của Trần Hoài Sơn (SN 1987 tại Phú Yên) cứ vui đùa chạy nhảy. Chúng còn quá nhỏ (đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi) để cảm nhận được nỗi đau mẹ vừa chết, cha lại đi tù.
Thấy cha của mình được dẫn ra, hai đứa nhỏ mở to mắt nhìn rồi gọi cha, ông Đoàn Văn Báu (cha ruột chị Thủy) tận dụng thời gian hiếm hoi này dẫn hai đứa cháu ngoại tiến về trước để chúng được nhìn cha mình rõ hơn. Vừa nhìn thấy con, những giọt nước mắt ân hận của Sơn rơi lã chã.
Tại phiên tòa xét xử, Trần Hoài Sơn nói: "Vào Sài Gòn bán vé số, bị cáo mới nhận ra vợ đã thay lòng, nhiều lần thấy vợ nhắn tin với người lạ nên sinh ghen tuông. Tối ngày 12/10/2015, đi nhậu về ôm vợ thì vợ hất ra nên bị cáo tức giận. Lúc mang dao lên bị cáo chỉ hù dọa vợ thôi, nhưng cô ấy thách thức, giận quá bị cáo đâm vợ nhưng không nghĩ rằng vợ mình lại chết."
Suốt phiên tòa, hai đứa trẻ cứ vô tư cười đùa với nhau. Chán, chúng lại nhờ cô của mình dẫn ra ngoài để chạy nhảy, khát thì đòi uống sữa, rồi cười vang. Lâu lâu, bằng giọng ngọng ngịu, đứa nhỏ lại hỏi anh của mình: "Mẹ đâu"?. Thằng anh vô tư đáp: "Mẹ ngồi trên bàn thờ, ba bị công an bắt", khiến những người xung quanh ai cũng rơi nước mắt.
Hai đứa trẻ còn quá bé để cảm nhận được nỗi đau của mình, chúng vô tư vui đùa trong suốt phiên tòa của cha. Hiện tại chúng được ông bà ngoại nuôi dưỡng.
Trong phiên tòa, bà Phạm Thị Tài (46 tuổi, mẹ ruột nạn nhân) nói: "Năm 2011, con gái tôi và Sơn kết hôn. Sau đó Sơn ở rể nhà tôi. Bình thường hắn cũng đi làm mang tiền về cho vợ, nhưng sau đó thì rượu chè bê tha rồi sinh ra nợ nần. Tôi đã nhiều lần khuyên con mình nên li dị, nhưng nó vẫn cứ ậm ừ cho qua.
Chiều ngày bị chồng giết, nó còn gọi điện thoại về hỏi thăm sức khỏe tôi. Từ lúc vô Sài Gòn bán vé số, nó không hề kể gì về vợ chồng cãi nhau. Tôi đâu ngờ mọi chuyện lại đến nông nỗi này. Tôi muốn tòa án sẽ xử đúng người, đúng tội."
Những giọt nước mắt ân hận của bị cáo trước tòa.
Nó không ác vậy đâu...
Khoảng thời gian tòa hội ý để đưa ra quyết định, một người đàn bà già nua, đen đúa, mái tóc bạc không được cột gọn gàng. Bà mang chiếc túi sờn cũ, đau đớn hướng mắt về đám đông đang phán xét con mình, rồi lẩm bẩm "Nó không phải như vậy, nó không ác vậy đâu".
Đó là bà N.T.T (mẹ ruột nạn nhân), bà không nhớ nổi tuổi của mình, không nhớ Sơn là con thứ mấy trong số 6 người con của mình. Ngày anh Sơn đi Sài Gòn bà cũng không hay, chỉ biết vội vã cùng người con gái bắt xe đến đây khi hay tin con mình sắp bị xét xử.
Bà T. xúc động: "Sơn mồ côi cha từ bé, không được học hành nên ai thuê gì làm nấy. Nhà không có một đồng bẻ đôi, muốn cưới vợ, nó phải chạy vạy khắp nơi được 4 triệu đồng. Sơn đi Sài Gòn mà có nói với tôi đâu. Đến khi nghe người ta nói nó bị xét xử, tôi và con gái vay được vài trăm ngàn vào đây.
Tôi năn nỉ hoài và bên thông gia không chịu xin giảm án cho thằng Sơn. Giờ nó đi tù, người ta bắt đền hơn 100 triệu, tiền đâu mà đền. Trời ơi tiền đâu mà đền đây."
Theo bà T., hai đứa cháu nội còn quá nhỏ, bà ngỏ lời mang một đứa về nuôi cho bên nhà ngoại bớt cực. Thế nhưng lần nào cũng bị từ chối. "Gặp thông gia tôi rất xấu hổ, nhưng tôi là mẹ, con tôi gây ra chuyện tày trời, tôi muốn thay con nói lời xin lỗi họ", bà T. nói tiếp.
Người mẹ già nghèo khổ của Sơn cứ lẩm bẩm "Nó không phải như vậy, nó không ác vậy đâu" trong suốt phiên tòa. Khi Sơn bị tuyên án và dẫn đi, bà đứng bật dậy nhìn theo rồi hỏi người xung quanh: "Khi nào nó về?"
Theo những người trọ chung với hai vợ chồng anh Sơn, thì chị Thủy đã vào Sài Gòn bán vé số được khoảng 1 năm. Tháng 9 năm nay mới đưa con và chồng vào làm chung.
"Sơn bình thường cũng hiền lành và siêng đi bán lắm, nhưng thời gian gần đây vợ chồng nó hay cãi nhau khi Sơn cho rằng chị Thủy ngoại tình. Thực hư ra sao tôi cũng không rõ, nhưng gần đây anh Sơn hay uống rượu rồi buồn bã. Tôi nghĩ phải dồn nén lắm anh ta mới ra tay giết vợ mình", một người trọ chung cho biết.
Theo cáo trạng, tháng 9/2015, Sơn và Thủy mang theo đứa con út vào TP.HCM, cùng những người đồng hương khác thuê phòng trọ trên đường Vườn Chuối (P.4, Q.3, TPHCM) để ở và bán vé số.
Sau khi uống bia với bạn bè, trên đường về phòng trọ Sơn tiếp tục ghé lại nhậu thêm một lần nữa với nhóm bạn cùng bán vé số. Khoảng 1 giờ 45 phút ngày 12/10/2015 Sơn mới về nhà.
Bước vào phòng, thấy vợ nằm ngủ dưới sàn nhà nên Sơn tiến đến ôm vợ. Tuy nhiên, chị Thủy không đồng ý, gạt tay Sơn ra và nói "Tôi với ông không còn gì hết, tôi đã có người khác". Sơn hỏi lại: "Nếu bây giờ em không sống chung với anh nữa, anh sẽ đâm chết em. Em có đồng ý không".
Tức giận, Sơn liền xuống bếp lấy con dao bỏ vào túi quần đến chỗ vợ nằm hỏi lại một lần nữa như chị Thủy vẫn cương quyết trả lời: "Ông muốn làm gì thì làm". Vợ vừa dứt lời, Sơn dùng dao đâm thằng vào người vợ, lưỡi dao trúng vào vùng hố chậu trái của chị vợ.
Chị Thủy kêu cứu và được người dân đưa đến bệnh viện, nhưng do đứt động mạch chủ, mất máu quá nhiều nên chị tử vong vào lúc 13 giờ 30 cùng ngày.
Sau khi đâm chết vợ, Sơn cầm dao đến công an P.4, Q.3 tự thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Trong phiên tòa xét xử lưu động sáng nay, tại cư xá Đô Thành (P.4, Q.3) TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Trần Hoài Sơn (sinh năm 1987 tại Phú Yên) tù chung thân về tội "giết người". Đồng thời bồi thường 159 triệu đồng cho người bị hại, phải có trách nhiệm trợ cấp cho hai con mỗi tháng 2 triệu đồng đến khi con của Sơn tròn 18 tuổi.