Chống gian lận thi cử: Chờ sách giáo khoa mới

HÀ PHƯỢNG ghi |

Muốn chống gian lận thi cử, đổi mới giáo dục phải đi đôi với đổi mới suy nghĩ và tâm lý của xã hội.

Nhìn lại lịch sử thi cử, suốt hơn 27 năm qua, ở phương án nào cũng có mặt được và mặt không được. Vậy nên nhiệm vụ bây giờ phải xem mặt nào được nhiều hơn để thực hiện, cải tiến chứ không nên vì một vài tiêu cực cá biệt mà “đẽo cày giữa đường”.

Chống gian lận thi cử: Chờ sách giáo khoa mới - Ảnh 1.

Năm 2020, khi triển khai chương trình THPT mới, hy vọng chuyện thi cử cũng sẽ cải tiến khoa học, nhẹ nhàng, triệt được tiêu cực, tạo công bằng cho các thí sinh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Gian lận địa phương do sức ép lãnh đạo tỉnh

Lược lại lịch sử những lần đổi mới thi cử, có thể thấy việc học trước giờ là lấy kết quả, mục đích là để phân loại học sinh, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như tốt nghiệp, phân loại tuyển sinh và để đánh giá chất lượng giáo dục.

Từ khi các trường đại học tự tổ chức thi, mỗi học sinh thi ba, bốn trường. Việc thi cử của thí sinh không ảnh hưởng đến người canh thi (giám thị) nên giám thị đi coi thi khá thoải mái, chỉ cần phát hiện sinh viên có tài liệu là đình chỉ ngay.

Tôi còn nhớ ngày mình đi coi thi, sau khi hết giờ thi bước ra ngoài, nhiều phụ huynh đã chạy đến và nói rằng họ rất cám ơn thầy cô coi thi vì hôm nay họ nhìn thấy các thầy cô xem thi rất nghiêm túc.

Thời điểm đó, kỳ thi chỉ có nhược điểm là phải thi khá lâu và mất nhiều thời gian.

Do vậy, khi đó Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm sau khi hỏi ý kiến các trường đại học đã đi tới quyết định thi ba chung: Chung đợt thi, chung đề và dùng chung kết quả để xét tuyển.

Ban đầu hình thức này được hưởng ứng nhưng một thời gian thì dư luận lại cho rằng phải trải qua hai kỳ thi liên tiếp khiến các em căng thẳng.

Từ đó, kỳ thi “2 trong 1” ra đời. Sau hai năm thực hiện, năm 2018 chúng ta lại thấy xuất hiện những tiêu cực như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Đã mấy đời bộ trưởng, ý kiến giao thi cử về cho địa phương đều vấp phải nhiều băn khoăn vì lo ngại tiêu cực xảy ra, nhưng đây vẫn là giải pháp tối ưu nhất giảm đi gánh nặng di chuyển, tốn kém thời gian, chi phí.

Tuy nhiên, từ năm 2015, khi giao về tỉnh chủ trì, ngoài những địa phương thực hiện nghiêm vẫn có những địa phương làm không nghiêm túc. Một số sở GD&ĐT tỉnh không làm nghiêm túc vì có sức ép của lãnh đạo tỉnh.

Sức ép này khá lớn vì bình thường tỉnh ít quan tâm đến giáo dục nhưng đến thi cử lại quan tâm, có những trường hợp lãnh đạo tỉnh chỉ nói đơn giản “làm sao năm nay phải cải thiện thứ hạng thi cử hơn năm trước đấy nhá...”.

Hoặc đại khái “sao tỉnh A, B cũng như mình lại có kết quả cao hơn…”...

Cần phải cải tiến làm sao cho tốt nhất, hạn chế thấp nhất tiêu cực và xử lý thật nghiêm tiêu cực để làm gương cho những người khác.

Thi cử sẽ thay đổi theo lộ trình

Từ tất cả điểm yếu và mạnh của thi cử qua các thời kỳ, trong quá trình soạn chương trình mới, ban soạn thảo đã tập trung rất nhiều vào mục tiêu phát triển năng lực cho học sinh chứ không hoàn toàn chỉ bổ sung kiến thức.

Theo chương trình mới này, thí sinh thi bằng năng lực và thực hành, hạn chế được việc thầy cô nhồi nhét các bài học cho học sinh.

Và cũng trong chương trình mới, ban soạn thảo có đề xuất xét tốt nghiệp ở khối THPT và trường đại học tự tổ chức tuyển sinh.

Khi đưa ý kiến này ra, hội đồng thẩm định ủng hộ rất nhiều. Thế nhưng do Luật Giáo dục vẫn quy định là phải thi tốt nghiệp, do đó không thể thực hiện được mà phải chờ khi có thay đổi ở luật.

Xã hội chúng ta rất khác, họ mặc định không vào được đại học là không thể làm được việc khác, cả về tâm lý cơ quan quản lý và người dân, có bằng đại học vẫn hơn những người không có bằng đại học, dù làm ở bộ phận nào đi chăng nữa.

Khi sang Hy Lạp, tôi thấy học sinh ở đây nói tiếng Anh rất giỏi nhưng trong thời khóa biểu các em này chỉ học ba, bốn tiết Anh văn/tuần.

Hỏi, các thầy cô nói giáo viên ở trường chỉ cung cấp kiến thức cơ bản, các em tự học ở ngoài, một là đến các trung tâm tiếng Anh, hai là đọc báo, nghe đài hoặc đăng ký làm bồi bàn, hướng dẫn viên du lịch.

Lúc đó tôi mới thấy học sinh Việt Nam và học sinh nước ngoài có nhiều điểm khác nhau. Học sinh Hy Lạp không quan trọng điểm 9, 10 mà quan trọng là học xong có đi làm được hay không.

Còn học sinh Việt Nam mình rất thụ động, cha mẹ lùa đi học thì đi, đua nhau vào trường điểm chứ không chú trọng vào năng lực thực.

Do đó, ngoài đổi mới thi cử, cần phải giáo dục cho học sinh mục tiêu học tập và vận động xã hội chia sẻ mục tiêu này.

Năm 2020, chương trình THPT mới sẽ được áp dụng và thi cử sẽ có thay đổi theo lộ trình. Việc giao cho trường đại học là chính hay giao cho địa phương cũng cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng, miễn sao tạo được sự công bằng cho thí sinh.

GS NGUYỄN MINH THUYẾT (*)

_________________

(*) GS Nguyễn Minh Thuyết là tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại