Gần 50 tuổi chị Hạ có cuộc sống khiến bao người mơ ước. Chị là giám đốc của một công ty có tiếng, thu nhập cao, hai con học giỏi.
Tuy nhiên, sau 20 năm sống trong hạnh phúc, cuộc hôn nhân của chị cũng đã kết thúc trong nỗi đau. Chồng yêu cầu ly hôn, hai con chị cũng không muốn ở với mẹ. Chị Hạ rơi vào vực thẳm của sự cô độc.
Sau cú sốc tâm lý, chị Hạ gặp phải vấn đề về rối loạn giấc ngủ, chị nhắm mắt nhưng không tài nào ngủ được, sức khỏe, công việc cũng đi xuống theo. Bản thân chị cũng biết mình đang gặp phải vấn đề rối loạn lo âu nên đã đi khám, uống thuốc theo đơn của bác sĩ.
Chị Hạ cũng được một số người thân giới thiệu cho khóa chữa lành. Chị Hạ đã bỏ lại toàn bộ công việc và dành 2 tuần đi chữa lành tâm hồn. Trong thời gian này chị Hạ không còn suy nghĩ quá nhiều, ngủ được.
Kết thúc 2 tuần chữa lành, khi chị Hạ quay trở lại với công việc và cuộc sống hàng ngày thì các triệu chứng mất ngủ, lo âu cũng xuất hiện trở lại và tiến triển nặng hơn. Lúc này chị Hạ đã phải tìm tới bác sĩ trị liệu tâm lý.
Ths.BS Nguyễn Hồng Bách - Viện Tâm lý học và Truyền thông (Hội Tâm lý học Việt Nam) cho biết, chị Hạ là bệnh nhân bác sĩ đang tiếp nhận điều trị. Với trường hợp này, việc chữa lành sau cú "sốc" tâm lý hậu ly hôn là cần thiết nhưng bệnh nhân lại làm sai cách. Điều này dẫn tới việc chữa lành không mang lại hiệu quả mà làm cho tình trạng của bệnh nhân nặng nề hơn.
Hiện nay, chữa lành đang là một trào lưu nhưng nó không dành cho mọi đối tượng. Việc chữa lành không đúng cách sẽ giống sẽ như "con dao 2 lưỡi", khiến tổn thương càng nặng nề hơn. Trường hợp của chị Hạ là minh chứng rõ nhất. Do vậy, khi thấy người người nhà nhà đi chữa lành, bác sĩ chỉ biết thốt lên rằng dừng lại suy xét cho kỹ.
Bác sĩ Bách cho biết có 4 đối tượng thực sự cần chữa lành: Người gặp sang chấn tâm lý; Người gặp tai nạn, rơi vào trạng thái sống trong ám ảnh; Người gặp vấn đề rắc rối về tài chính như phá sản; Trường hợp mắc các vấn đề bẩm sinh như phổ tự kỷ chức năng gây ảnh hưởng trong giao tiếp.
"Với trường hợp của chị Hạ, việc đi chữa lành tâm hồn thời điểm sau ly hôn có thể giúp chị xoa dịu tinh thần nhưng khi quay về cuộc sống bình thường chị vẫn không nhận ra được vấn đề mình đang vướng phải để tháo gỡ.
Việc chữa lành không đúng cách cũng sẽ khiến bệnh nhân không thể tự giải quyết vấn đề bằng khả năng nội sinh của bản thân. Điều này dẫn tới tình trạng người bệnh bị lệ thuộc và phải theo hết khóa chữa lành này tới khóa chữa lành khác nhưng cuối cùng vẫn chưa giải quyết được tình trạng mình đang gặp phải.
Mỗi người sinh ra đã có cơ chế tự chống đỡ với những áp lực trong cuộc sống. Do vậy không phải trường hợp nào thấy áp lực, trống rỗng, mất niềm tin cũng cần tìm đủ mọi cách chữa lành", bác sĩ Bách cho hay.
Bác sĩ cũng cho biết việc chữa lành không đúng cách có thể khiến cho bản thân người bệnh có thêm tổn thương mới. Do đó mọi người nên dừng lại và suy xét thật kỹ.
Chữa lành đúng cách mới mang lại hiệu quả
Theo bác sĩ Bách, việc chữa lành cần phải thực hiện với đúng đối tượng và phải nhận dược sự tư vấn của người có chuyên môn. Mỗi người có những vấn đề riêng và cần được hỗ trợ theo nhiều cách khác nhau, do đó khó có một biện pháp nào phù hợp với tất cả mọi người.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.