Theo Sputnik, đầu tuần này, Bộ Tài chính Mỹ đã báo cáo với Quốc hội Mỹ rằng Triều Tiên đang sử dụng một mạng lưới tinh vi "như phim gián điệp" để xuất khẩu than, trong bối cảnh hoạt động thương mại quốc tế của họ bị thắt chặt vì các biện pháp trừng phạt.
Bản báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết, Nga đóng vai trò chính trong việc giúp Triều Tiên "lách" các biện pháp trừng phạt, còn Trung Quốc thì đang ngày càng tránh xa người hàng xóm "bướng bỉnh" của mình.
Trong khi đó, trang SCMP của Trung Quốc đăng tải bài viết của tác giả Liu Zhen với nhận định các biện pháp trừng phạt mà Liên Hợp Quốc (LHQ) áp đặt lên Triều Tiên hầu như không ngăn được việc nước này tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân cũng như xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài.
Trong bài báo của mình, tác giả Liu Zhen đã liệt kê chi tiết một số cách mà Triều Tiên đã và đang thực hiện để "vô hiệu hóa" các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Hàng đổi hàng
Triều Tiên đã xây dựng được phương thức giao thương "hàng đổi hàng" thay vì sử dụng cách thanh toán bằng tiền tệ. Than là mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên và mặt hàng này được sử dụng thay thế cho tiền tệ trong nhiều giao dịch thương mại quốc tế.
Việc dùng than thay cho tiền tệ cũng có ích vì theo Washington Post, đồng Won (KPW) của Triều Tiên, với tỷ giá 1 USD đổi 1000 KPW đã có thời điểm mất giá tới mức một số trung tâm thương mại và cửa hàng tại Bình Nhưỡng yêu cầu khách hàng thanh toán bằng đồng USD, EUR hay Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, doanh nhân Chi Yupeng của Trung Quốc đã bị cáo buộc sử dụng công ty Dandong Zhicheng - hoạt động trong lĩnh vực vật liệu cơ khí - của ông ta để giao dịch với Bình Nhưỡng, đổi linh kiện vũ khí hạt nhân, tên lửa lấy thép và than đá từ Triều Tiên.
Vận chuyển lậu
Tuy nhiên, trước khi Triều Tiên có thể đổi than đá lấy các mặt hàng khác, họ cần có cách vận chuyển và giao hàng.
Điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, trợ lý Bộ trưởng Tài chính trong vấn đề nguồn tài chính của khủng bố, ông Marshall Billingsley, cho biết, mạng lưới "buôn lậu" than của Triều Tiên có thể là chất liệu cho một bộ phim rất hay.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, các tàu thủy Trung Quốc đã tắt nguồn hệ thống thu phát sóng của họ nhằm giúp họ không bị theo dõi trước khi tiến vào vùng biển Triều Tiên.
Sau đó, các con tàu cập cảng của Triều Tiên và nhận than. Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ có bằng chứng cho việc này, đó là các bức ảnh vệ tinh.
Sau khi đã đầy than, các con tàu Trung Quốc trở lại vùng biển quốc tế và mở lại hệ thống thu phát sóng, tiếp tục hải trình hướng tới Nga.
Các con tàu được cho là "âm thầm" tiến vào các cảng biển của Triều Tiên để nhận than và sau đó công khai tiến về hướng Nga. Ảnh: AP
Làm giả các giấy tờ đăng ký tàu thuyền
SCMP dẫn một báo cáo của LHQ cho hay, Triều Tiên bị cáo buộc đã làm giả các giấy tờ đăng ký tàu thuyền. Trong số 21 tàu của Công ty Quản lý Đường biển (ONM) của Bình Nhưỡng, 18 tàu được đặt vào danh sách tàu nội địa, dù thực tế chúng thỉnh thoảng vẫn có mặt tại các vùng biển quốc tế.
Còn Sputnik thì dẫn trang tin Manila Bullentin cho biết, các quốc gia vùng Nam Thái Bình Dương đã cùng hành động sau khi Fiji tuyên bố đã phát hiện ít nhất 20 tàu treo cờ nước này nhưng không được đăng ký.
Manila Bullentin dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Gerry Brownlee cho hay, các nước vùng Thái Bình Dương rất quan ngại việc các con tàu chở hàng Triều Tiên cắm cờ giả danh nước khác để lách lệnh trừng phạt.
18 quốc gia trong vùng sẽ cùng nhau kiểm tra từng con tàu một đăng ký đi lại trên Thái Bình Dương, nhằm phát hiện những tàu thuyền có liên hệ với Bình Nhưỡng.
"Điều chúng ta biết chắc chắn, đó là GDP mà Triều Tiên công bố không đủ lớn để hỗ trợ ho chương trình hạt nhân mà họ đang thực hiện, vì vậy chắc chắn họ phải có các nguồn thu từ các hoạt động "chợ đen" hoặc có được các nguồn tài chính không được ghi chép", ông Brownlee nói.
Kiều hối từ nước ngoài chuyển về
Ngoài các hoạt động giao thương trên biển, Triều Tiên hiện có khoảng 100,000 người đang làm việc tại nước ngoài. Lực lượng này tạo ra một lượng thu nhập ổn định khoảng 500 triệu USD mỗi năm cho đất nước.
Bài báo của SMCP có nhắc tới một nhóm các công ty xây dựng của Triều Tiên với cái tên Mansudae Oversea Projects. Các công ty này sử dung lao động là người Triều Tiên trong việc thực hiện các dự án xây dựng ở nước ngoài. Những công ty này cũng chuyển giao các dự án và nhân công cho các nhà thầu khác của Trung Quốc đang hoạt động tại châu Phi.
Tháng 11/2006, LHQ cũng đã thông qua một nghị quyết trong đó có nội dung kêu gọi các nước chú ý tới việc Triều Tiên sử dụng lao động ở nước ngoài.
Thành lập các công ty bình phong
Triều Tiên cũng sử dụng một loạt các công ty bình phong và tài khoản ngân hàng của chúng để ngụy trang các giao dịch tiền tệ quốc tế.
SCMP dẫn một báo cáo của LHQ cho rằng công ty Glocom – một nhà sản xuất thiết bị thông tin quân sự của Triều Tiên – đã dùng một số công ty bình phong để thanh toán với nước ngoài.
"Một hóa đơn thường được chi trả thông qua một loạt các giao dịch nhỏ", báo cáo nói trên cho biết.
Một cách khác là những nhân viên ngoại giao Triều Tiên mở nhiều tài khoản ngân hàng, có thể là tài khoản đứng tên chính họ, cũng có khi đứng tên các công ty bình phong.
Bán vũ khí
Bình Nhưỡng đã thành công một cách đáng ngạc nhiên trong việc bán vũ khí ra nước ngoài. Theo bài báo của SCMP, Triều Tiên không chỉ sản xuất, bán vũ khí, mà còn cung cấp dịch vụ huấn luyện quân sự cho rất nhiều nước, đặc biệt là các nước ở châu Phi.
"Một cuộc điều tra của LHQ cho thấy, các khách hàng của Bình Nhưỡng bao gồm Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mozambique, Namibia, Syria, Uganda, Eritrea. Các nước Tanzania, Benin, Botswana, Mali, Zimbabwe cũng từng bị điều tra vì có liên hệ với các công ty Triều Tiên", trích báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ.
"Cải tiến" thiết bị dân sự thành quân sự
Bình Nhưỡng cũng bị nghi ngờ về việc chuyển đổi các thiết bị dân sự - vốn được phép mua bán – thành các thiết bị quân sự.
Những bức ảnh và video mà truyền thông đăng tải về cuộc diễu binh hồi tháng 4/2017 ở Bình Nhưỡng cho thấy các xe tải chở tên lửa có logo của hãng "Sinotruck". Đây là một hãng chuyên sản xuất xe tải của Trung Quốc. Sinotruck xác nhận có bán các xe dân dụng cho Triều Tiên và phủ nhận mọi cáo buộc về việc hợp tác quân sự với nước này.