Trong cơn đau chuyển dạ, chị Hằng (ở TP.HCM) khó nhọc đi mua một chai nước muối. Về nhà, chị đau đớn ôm bụng định vào toilet để sinh con. Chị dặn con gái lớn: “Mẹ đẻ trong toilet, lỡ mẹ có xỉu thì con bồng em ra giùm mẹ”.
Đứa trẻ 15 tuổi sợ hãi khi nghe lời mẹ nói: “Mẹ ơi, mẹ đẻ trong toilet không được đâu, con sợ lắm”. Chị Hằng nghẹn ngào: “Mẹ không đẻ ở toilet thì biết đẻ ở đâu. Mẹ không có tiền đi bệnh viện”.
Chồng cuỗm sạch tiền trước ngày vợ lâm bồn
Chị Hằng từng dang dở hôn nhân, sinh được một cô con gái năm nay 15 tuổi. Cách đây 10 năm, chị quen người chồng hiện tại. Cả hai thương mến nhau rồi về chung sống chứ không tổ chức đám cưới. Họ đã từng có một khoảng thời gian hạnh phúc. Chị đi làm mướn, anh làm phụ hồ. Có những ngày hai vợ chồng hết sạch tiền, chỉ nấu mì gói ăn mà vẫn vui.
Chị Hằng ôm con nhỏ, không ngừng khóc khi kể về câu chuyện của mình.
Rồi chị Hằng mang thai, em bé cũng là đứa con đầu tiên của chồng chị. Những tưởng điều đó sẽ khiến anh mừng rỡ, được tiếp thêm động lực cố gắng lo cho vợ con. Nhưng mọi chuyện hoàn toàn ngược lại, anh thay tính đổi nết, trở nên cộc cằn, hay mắng mỏ và còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ.
Trước ngày chị Hằng lâm bồn hơn 2 tháng, anh về lấy hết số tiền 5 triệu đồng mà trước đó đưa cho chị để dành sinh con. “Anh ấy nói là đưa tiền để anh đi mua mấy thùng sơn về sơn nhà cho người ta, được thêm tiền rồi anh đưa cho để đi đẻ. Nhưng anh cầm tiền rồi lấy xe đi luôn, mình gọi cả ngàn cuộc điện thoại mà không được” - chị Hằng kể.
Bầu bí sức khỏe yếu, nhiều bệnh trong người lại đúng thời điểm TP.HCM bùng dịch Covid-19 nên chị không thể đi làm. Ngày sinh cận kề mà trong tay người phụ nữ khốn khổ không có một đồng tiền nào.
Đau bụng chuyển dạ, chị Hằng ngậm ngùi đi mua chai nước muối về định "vượt cạn" trong toilet.
“Đến ngày sinh, mình đau bụng quá, gọi điện cho anh ấy thì anh về nhưng chỉ nằm ở nệm, chẳng năng gì cũng chẳng đưa tiền. Mình không có tiền nên không dám đi bệnh viện, định sinh trong toilet. Nhưng con gái sợ quá nên vội vàng gọi điện cho bà ngoại. Mẹ mình chạy khắp xóm mới mượn được 3 triệu đồng cho đi đẻ. Chồng chở mình vào bệnh viện rồi lại đi mất”.
Chị Hằng không thể ngừng khóc khi kể tiếp về hành trình đi đẻ tủi nhục của mình: “Vào bệnh viện người ta yêu cầu tạm ứng 8 triệu nhưng mình không đủ tiền. Năn nỉ mãi rồi người ta cũng đồng ý cho tạm ứng 3 triệu, đóng tiền xong là trong người không còn một đồng nào.
Đẻ xong mình nhịn đói 2 ngày, không có sữa cho con bú. Mượn thêm ít tiền mua được hộp sữa uống tạm cho đỡ đói, mỗi lần mình chỉ dám múc 2 muỗng pha loãng ra cho tiết kiệm. Đến miếng băng vệ sinh mình cũng không có tiền mua, cô y tá kêu đứng dậy mà mình không dám đứng vì đâu có đóng băng vệ sinh.
Con bé lớn nhà mình ở viện chăm mẹ, nhìn nó xanh xao quá nên chú ở giường bên cạnh mới cho 100 nghìn đồng bảo nó xuống mua đồ ăn.
Ngày ra viện vì thiếu tiền nên bệnh viện họ nói mình để con lại, về nhà lo đủ tiền thì vào đón con về. Mình không biết phải làm sao, may quá chị chủ nhà cho mượn chứ không thì bảo quỳ xuống xin mình cũng làm”.
Người phụ nữ cảm thấy nhẹ lòng khi có thể nói ra được những tâm tư của mình.
Sau khi chị Hằng sinh con, chồng của chị cũng quay về nhưng hai vợ chồng nói qua nói lại về chuyện tiền bạc rồi anh lại tức tối bỏ đi. Đến nay em bé đã được hơn 4 tháng tuổi, chị không có tung tích gì của chồng.
Nếu chồng quay về, sẽ vẫn tha thứ
Mẹ con chị Hằng hiện đang ở trọ, chi phí mỗi tháng tổng cộng hết khoảng 1,2 triệu đồng. Vài tháng nay không đóng tiền nhà, chị nơm nớp lo sợ bị chủ nhà đuổi đi. Không có tiền mua sữa, mua tã cho con, chị Hằng buốt ruột, buốt gan nhìn con đói, đái ướt hết quần áo. Người em trai thương chị, hôm nào đi bán vé số được nhiều, anh qua biếu chị vài chục ngàn.
Bà con lối xóm biết hoàn cảnh của chị Hằng cũng thương lắm, thỉnh thoảng họ mang cho chị chút rau, mì gói, cơm,... ăn thêm để có sữa cho con bú. Cuộc sống của người dân nơi xóm trọ nghèo cũng còn nhiều khó khăn nên chẳng giúp gì hơn được.
Con gái lớn của chị Hằng mới 15 tuổi đã phải xa nhà đi làm thuê, thỉnh thoảng mới về. Mẹ ruột của chị ở gần đó, nhưng bà cũng khó khăn, lại bị bệnh tim nên chị không dám tâm sự, sợ bà buồn thêm. Thấy chị Hằng khổ quá, có người đến ngỏ ý xin em bé về nuôi. Nhưng chị dứt khoát không đồng ý, có thế nào cũng phải giữ con bên cạnh.
Chị Hằng dự định khi con cứng cáp sẽ đi bán vé số mưu sinh.
Dù bị chồng đối xử tệ bạc, cũng có lúc chị Hằng oán trách nhưng khi được hỏi nếu anh quay về, chị có tha thứ hay không, người phụ nữ này vẫn gật đầu. Chị bảo, anh chị sống với nhau 10 năm, có tình có nghĩa. Nếu anh muốn trở về cùng chị nuôi con thì chị vẫn cho anh cơ hội. Còn nếu anh đã có người khác, sống hạnh phúc, đủ đầy với người ta thì chị mừng cho anh.
Hoàn cảnh của chị Hằng đã được nhiều mạnh thường quân biết đến, giúp đỡ chị qua cơn nguy khó. Nhận tổng số tiền hơn 14 triệu đồng, chị bớt một khoản gửi mẹ đẻ trả nợ. Số còn lại chị trả tiền thuê trọ, mua thêm sữa, tã cho con, tiết kiệm phòng thân. Chị dự định khi em bé cứng cáp hơn một chút sẽ đi bán vé số mưu sinh.
Cư dân mạng hy vọng từ nay, cuộc sống của người phụ nữ thiệt thòi này sẽ bớt khó khăn. Mong chị có thật nhiều sức khỏe, suy nghĩ lạc quan để vượt qua mọi biến cố, nuôi con khỏe mạnh, nên người.
Nguồn: Nghĩa Trọng TV