Chủ trì hội nghị, Thượng tướng Trần Đơn nhấn mạnh, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Quân đội trong thời điểm hiện nay là bằng mọi giá không được để dịch lây lan vào Quân đội, phải giữ được quân số khỏe.
Theo ông Đơn, cuộc chiến này chưa biết đến bao giờ kết thúc, nếu kéo dài 3 tháng, 6 tháng hay một năm nữa thì cần tính đến các giải pháp. “Quân đội chúng ta phải tác chiến dài ngày và còn nhiều gian khổ, cam go.
Hiện nay chúng ta sử dụng trên 20.000 quân tham gia vào chống COVID-19, chắc chắn ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung theo kế hoạch. Phải thực sự đây coi là nhiệm vụ tác chiến và tính đến phương án dài ngày”, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng nói.
Cùng với đó, Thượng tướng Trần Đơn cho biết Quân đội còn nhiều nhiệm vụ khác phải thực hiện như bảo vệ chủ quyền, biên giới, biển đảo; chủ trì tổ chức nhiều sự kiện trong năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN; tổ chức diễn tập quốc phòng giữa các nước ASEAN để phối hợp chống dịch…
“Chúng ta phải lường trước những khả năng khác như an ninh trật tự, vấn đề phức tạp trên Biển Đông, phải duy trì sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống”, ông Đơn nói.
Báo cáo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trong Quân đội thời gian qua, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) cho biết, Quân đội đã điều chỉnh kế hoạch thời gian, lực lượng để thực hiện các nhiệm vụ quân sự, chính trị khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt trong công tác huấn luyện và chương trình đào tạo tại các học viện, nhà trường; sử dụng công nghệ thông tin để tổ chức hội nghị, giao ban, giảng dạy, làm việc tại nhà (30% quân số các đơn vị chiến lược), hạn chế tối đa quân nhân ra ngoài doanh trại.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần)
Các tổ đội cơ động phòng, chống dịch tiếp tục được rà soát, kiện toàn. Quân đội cũng xây dựng kế hoạch triển khai 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, với tổng số 2.800 giường bệnh sẵn sàng ứng phó cho tình huống dịch lan rộng, tình trạng khẩn cấp; tổ chức 144 điểm cách ly với lực lượng tham gia hơn 6.000 người, có khả năng tiếp nhận trên 44.700 người nhập cảnh từ các nước có dịch và điều chỉnh mở rộng để sẵn sàng tiếp nhận khi tình huống cần cách ly số lượng lớn công dân về nước qua biên giới Tây và Tây Nam.
Đồng thời tổ chức tiếp nhận, vận chuyển và cách ly công dân, người nước ngoài nhập cảnh từ các nước có dịch; bảo đảm an toàn, chu đáo, đầy đủ chế độ theo quy định. Đến nay đã cách ly tổng số 53.431 người, tổ chức đưa 48.968 người hết cách ly về địa phương an toàn. Hiện có trên 5.300 người đang thực hiện cách ly.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng trực tiếp phục vụ như quân y, hậu cần, lái xe… được bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ; thực hiện thường xuyên việc kiểm tra, nhắc nhở, duy trì tốt các biện pháo chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Đến nay, chưa ghi nhận trường hợp lây chéo trong khu cách ly và chưa có lây nhiễm cho quân nhân làm nhiệm vụ tại các khu vực này.
Đảm bảo nhiệm vụ kiểm soát cửa khẩu biên giới, Bộ đội Biên phòng đã tổ chức 1.540 tổ với gần 6.000 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát cửa khẩu, ngăn chặn nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới; phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn tổ chức ngăn chặn các hoạt động tội phạm, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới; tuyên truyền phòng, chống dịch cho nhân dân vùng biên; thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo chủ trương thông quan trong hoạt động giao thương qua biên giới…