Dạo một vòng quanh mạng xã hội Facebook thấy các mẹ dạo này rất hào hứng chia sẻ chuyện chi tiêu của gia đình, có mẹ chỉ làm mâm cơm tiết kiệm vài chục ngàn, mẹ lại vô tư đăng ảnh bữa cơm đầy đủ thịt cá với quan niệm ăn uống là phải thoải mái chẳng cần tằn tiện mà làm gì.
Các chị có chồng rồi thì tha hồ khuyên nhau tiết kiệm, còn các gái chưa chồng thì bủn rủn than thở có khi chẳng dám kết hôn vì điều kiện kinh tế quá eo hẹp.
Nói vậy thôi chứ cuộc sống vẫn tiếp diễn và tiền vẫn phải tiêu. Chỉ có điều, mẹ nào được chồng hỗ trợ thì đỡ cực, còn ai không may mắn phải một mình lo toan mọi thứ, đến khi cùng cực lắm mới hỏi đến tiền của chồng thì thương lắm.
Như trường hợp của chị H.P chia sẻ dưới đây chẳng hạn.
H.P kể, mỗi tháng chị chi dùng hết khoảng gần 9 triệu, bao gồm gần 1,7 tiền học của 2 con, 4,6 triệu tiền ăn của gia đình, 1,5 triệu tiền thuốc cho con...
Còn nhiều khoản khác nữa mà chị chưa liệt kê ra hết. Mẹ hai con tâm sự: "Mình ở chung nên không phải lo tiền điện nước, chỉ ăn riêng, thỉnh thoảng cũng phải mua mì chính, nước mắm... Đây là còn chưa có tiền thuốc khi mình ốm đau.
Đa số những chi phí mình tiêu đều vào con, không có cho mình mà cũng không còn tiền nữa mà tiêu cho mình. Tiền xà phòng, bột giặt, nước gội đầu... các thứ, nói chung còn rất nhiều cái cần chi không tên nữa".
Bảng thống kê chi tiêu sơ lược của gia đình H.P mà cô chia sẻ trên mạng xã hội.
Nhìn vào bảng chi tiêu này, có thể thấy một số khoản tiền hơi "hoang" so với các gia đình khác như việc cho con uống đến 5 thùng sữa, tiền thuốc cho con "nặng đô" quá.
Ngoài ra, những chi phí cho bản thân, ma chay, cưới hỏi, dự phòng... cũng chưa được đề cập. Tính ra, gia đình H.P mỗi tháng phải tiêu hết khoảng hơn 10 triệu.
Trò chuyện với chúng tôi, H.P cho hay, hiện cô đang là nhân viên kế toán chuyên làm sổ sách của một công ty tư nhân ở quê.
Vợ chồng cô sống chung với bố mẹ chồng nên không tốn tiền thuê nhà, không phải đóng điện nước, cả ngày vợ chồng con cái ăn ở công ty, ở trường nên chỉ tối mới gặp nhau ăn bữa cơm.
Tuy nhiên, với mức lương hơn 6 triệu, cô phải gồng mình lo cho con 2 đứa con, một 3 tuổi, một 1,5 tuổi từ ăn uống, quần áo, thuốc men... và cảm thấy thực sự quá tải.
Lý giải cho việc tốn khá nhiều tiền vào việc ăn uống ở bên ngoài mà không nấu nướng, H.P cho hay, công việc của cô khá bận rộn.
Cô đi lúc 7 giờ sáng về nhà lúc 6 giờ chiều, con lại hay ốm, mệt mỏi chẳng có ai đỡ đần nên cô không có thời gian nấu nướng, đành ăn tiệm cho qua bữa.
Đã vậy, em bé của cô lại "nghiện" sữa và nếu mẹ không mua sẽ khóc nhè, ăn vạ. Xót con, cô đành chiều mua cho bé 5 hộp sữa/tháng.
"Mình là con người mà, không phải rô bốt, về nhà vật lộn 2 đứa con đủ mệt còn cơm nước cho bọn trẻ ăn, tắm, ngủ, chưa kể con mình đang bị bệnh phải cho thở máy.
Mình chẳng chăm chỉ mà cũg không có thời để bày vẽ nấu nướng, nên để tiện thì chỉ có ăn tiệm là nhanh nhất. 900 nghìn bữa sáng cho 3 mẹ con, nghĩ là hoang nhưng thực ra ăn không đủ no".
Một bà mẹ khác cũng chia sẻ câu chuyện chi tiêu của gia đình mình.
Tuy nhiên, điều khiến H.P thêm áp lực xoay sở chi tiêu cho hợp lý là chồng cô không đưa tiền lương hàng tháng cho cô mà giữ toàn bộ lương để tiêu riêng, khi nào vợ hỏi thì mới đưa.
"Chồng mình có tiền riêng nhưng không đưa cho vợ. Nếu mình hỏi xin thì anh ấy mới cho, nhưng cũng không nhiều.
Có tháng mình phải vay trước sếp tiền để chi tiêu, đến tháng lương trả lại. Nếu tháng nào may mắn con không ốm thì lương của mình với xin chồng thêm một chút thì cũng tạm đủ."
H.P cứ mua sữa cả thùng cho con dùng dần vì mua nhiều sẽ được rẻ hơn so với mua lẻ. Ảnh NVCC
Bữa ăn tối hai vợ chồng hết 70 nghìn cũng là khoản tiền mà H.P cố gắng tiết kiệm hết mức có thể.
Cô cho biết vì mình ở nông thôn nên đồ ăn thức uống cũng không phải quá đắt đỏ, nhưng với tình trạng con cái ốm đau liên miên thì bản thân nhiều khi cũng mệt mỏi với danh sách dài những thứ cần phải chi.
"Stress vì con thôi đủ mệt rồi, không có tiền còn khổ nữa. Mình cũng đang tính lại để tiết kiệm hơn, bớt ít tiền dành dụm, ví dụ con ốm cần ra viện mà trong nhà không có tiền thì mệt. Tớ với chồng vỡ kế hoạch nên con đẻ dày.
Chúng nó còi lắm, đi học thì thấy cô giáo bảo cũng chịu ăn nhưng về nhà thì nhõng nhẽo. Nhiều khi mệt lắm cơ nhưng vẫn phải gắng gượng" - H.P tâm sự.
Tiền mua thuốc cho con hàng tháng ngốn một khoản kha khá của hai vợ chồng H.P. Ảnh NVCC
H.P cho biết dù là ở cùng bố mẹ chồng nhưng ông bà cũng không đỡ đần được nhiều, lúc nào muốn đi đâu toàn phải bế con sang gửi bà ngoại thì mới đi được.
Cũng có thời gian cô tìm cách bán hàng online nhưng không được lâu dài. "Lúc trước chưa đi làm lại, mình có tập tành bán nhưng vừa không kiên trì lắm lại ít vốn nên chỉ làm cộng tác viên được thôi.
Được một thời gian, mình chán bỏ luôn đến tận bây giờ.
Công việc hiện tại nói là nhàn nhưng lại ngốn thời gian nên chẳng đi lấy hàng mà ship cho người ta được. Con ốm đau nên tình thần cũng chán".
H.P kể, cô hầu như chẳng chi tiêu gì cho bản thân, tất cả để dành cho con cái. Tiền lương 6 triệu hơn, cô chẳng dành dụm được đồng nào.
Tiền lương của chồng thì anh giữ tất, tự chi tiêu cho cá nhân anh và làm những việc lớn, còn con cái, cơm nước thì vợ lo.
Tuy anh chồng không quá hẹp hòi, nhưng chẳng đưa tiền cho vợ như các ông chồng khác, khi nào vợ mở lời xin thì mới đưa chút đỉnh.
Điều này khiến H.P cảm thấy tủi thân vì chồng không chủ động gánh vác chuyện chi tiêu hàng ngày với vợ.
H.P cũng biết rằng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh và bản thân mình phải tự cân đối để đảm bảo cuộc sống của gia đình.
Cô hi vọng rằng khi hai con lớn hơn và ít ốm vặt hơn thì sẽ bớt phải tiêu tiền thuốc để tiết kiệm được nhiều hơn lo cho tương lai.
Khi H.P chia sẻ một phần câu chuyện của mình lên mạng xã hội, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra. Hội chị em có người bức xúc, cho rằng H.P thật cam chịu, một mình lo hết cả nhà mà chẳng nói gì, cũng không còn tiền lo cho nhu cầu bản thân thì dại quá.
Cũng có người trách anh chồng quá vô tâm, ích kỷ, chỉ bo bo giữ tiền tiêu riêng mà không hỗ trợ vợ.
Một anh đàn ông "hóng" được chuyện này thì hiến kế cho H.P bí quyết "moi tiền" như sau: "Bạn ơi, chồng bạn thấy bạn không hỏi gì cả, nên anh ấy không đưa, đó là chuyện bình thường.
Có những người sẵn sàng "cống nộp" cho vợ hàng tháng, nhưng cũng có người phải nói mới đưa, như chồng bạn chẳng hạn. Bạn không hỏi, anh ấy lại nghĩ là bạn đủ khả năng gánh vác chi tiêu gia đình mà không cần anh ấy đóng góp.
Tôi nghĩ, bạn nên trò chuyện với chồng, ví dụ giao hẹn từ giờ anh sẽ đưa tiền cho em, nhưng không phải đưa "một cục" (vì tự dưng hụt một khoản tiền to, xót lắm, tâm lý ai cũng thế) mà chia làm 2 - 3 đợt trong tháng.
Bạn cứ ngọt nhạt kể rằng chi phí cho cả nhà mỗi tháng là 10 triệu, lương em 6 triệu, anh đưa em tổng cộng 4 triệu nữa là đủ, còn lại anh cứ cầm tiêu, khó khăn thì em sẽ đi vay ngoài... Bạn cứ tỉ tê như thế, kiểu gì anh ấy chẳng chia sẻ với bạn".
Tư vấn của người đàn ông có tâm trên quả là chí lý, và không chỉ áp dụng với H.P mà bà vợ nào gặp chồng "rắn" cũng nên học tập, để khỏi phải ngậm ngùi chuyện chi tiêu, ấm ức lên mạng kể hoặc nhờ tư vấn.