Nợ xấu (hay còn gọi là nợ khó đòi) bao gồm các khoản nợ dưới chuẩn, có thể là các khoản nợ đã quá thời hạn thanh toán hoặc là các khoản nợ đang bị nghi ngờ về khả năng trả nợ của người đi vay, lẫn khả năng thu hồi nợ của người cho vay. Một khoản vay bị tính là nợ xấu tùy thuộc vào thời gian quá hạn trả nợ khoản vay của người đi vay.
Ngân hàng chia thành các nhóm nợ khác nhau, theo mức độ tăng dần về tính nghiêm trọng.
(1) Nhóm 1 - Nợ đủ tiêu chuẩn: bao gồm 03 loại khác nhau, trong đó phổ biến và điển hình nhất là nợ trong hạn và nợ quá hạn dưới 10 ngày được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn.
(2) Nhóm 2 - Nợ cần chú ý: bao gồm 03 loại khác nhau, trong đó phổ biến và điển hình nhất là nợ quá hạn từ 10 - 90 ngày và nợ đã được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu.
(3) Nhóm 3 - Nợ dưới tiêu chuẩn: bao gồm 05 loại khác nhau, trong đó phổ biến và điển hình nhất là nợ quá hạn từ 91 - 180 ngày và nợ đã được gia hạn lần đầu.
(4) Nhóm 4 - Nợ nghi ngờ: bao gồm 06 loại khác nhau, trong đó phổ biến và điển hình nhất là nợ quá hạn từ 181 - 360 ngày và nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai;
(5) Nhóm 5 - Nợ có khả năng mất vốn: bao gồm 08 loại khác nhau, trong đó phổ biến và điển hình nhất là nợ quá hạn trên 360 ngày và nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên.
Việc phân loại nhóm nợ sẽ giúp các tổ chức cho vay dễ dàng đánh giá lịch sử tín dụng của khách hàng để đưa ra quyết định có nên cho vay hay không. Nợ xấu được xác định là những khoản nợ được phân loại từ nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5.
Lịch sử vay vốn của các các nhân, tổ chức đều được lưu trữ tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Một khi đang có nợ xấu trên CIC thì cá nhân đó sẽ rất khó để tiếp tục vay vốn ngân hàng.
Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, vậy trong trường hợp bản thân không có nợ xấu, nhưng người nhà như vợ/chồng có nợ xấu thì có thể vay vốn ngân hàng được không?
Theo quy định của các nhà băng, khi vay vốn có tài sản đảm bảo, ngân hàng sẽ yêu cầu người vay cung cấp không chỉ CMND mà còn Hộ khẩu thường trú, tạm trú, tài liệu chứng minh nguồn trả nợ, tài liệu liên quan đến tài sản bảo đảm,…
Ngay trong Giấy đề nghị vay vốn cũng có thông tin tự kê khai về vợ/chồng người vay, bao gồm cả tình hình tín dụng hiện tại như số tiền vay, dư nợ còn lại, khoản phải trả hàng tháng,…
Theo đó, ngân hàng có thể kiểm tra lịch sử tín dụng trên CIC không chỉ của người đi vay mà còn người thân trong gia đình.
Trong phần lớn trường hợp, khi thấy vợ/chồng của người đăng ký vay có nợ xấu từ nhóm 3 – nhóm 5 thì ngân hàng hay tổ chức tín dụng sẽ từ chối hồ sơ. Nếu người vợ/chồng có nợ nhóm 1, nhóm 2 thì vẫn có thể vay được, còn tùy vào quy định của từng ngân hàng.
Đây là điều dễ hiểu vì ngân hàng có cơ sở lo ngại khách hàng đi vay hộ cho người thân (đang vướng phải nợ xấu), không có khả năng trả nợ.
Đối với nhiều sản phẩm vay tín chấp, vay tiêu dùng, các ngân hàng thường chỉ yêu cầu hồ sơ đăng ký gồm giấy đề nghị vay vốn, giấy tờ chứng minh nguồn thu nhập mà không cần sổ hộ khẩu,…Đối với hình thức này, cá nhân vẫn có thể vay được tiền dù vợ/chồng đang có nợ xấu. Tuy nhiên, các khoản vay tiêu dùng, vay tín chấp thường có hạn mức thấp.