Chiều 27/5, báo cáo Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn, đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng
Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên được Bộ trưởng Hùng nêu ra là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập. Các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình trong Luật hiện hành còn khá phức tạp.
Luật hiện hành không quy định rõ ai là người phải ra khỏi nhà khi xảy ra bạo lực gia đình, trong khi đó, hầu hết các vụ bạo lực gia đình, người phải ra khỏi nhà lại là người bị bạo lực.
Trong khi đó, biện pháp phạt tiền trong xử phạt hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình chưa phát huy hiệu quả. Nhiều trường hợp, người bị bạo lực gia đình là người đứng ra nộp phạt và số tiền nộp phạt lấy từ tài sản chung của gia đình. Điều này khiến cho người bị bạo lực gia đình không muốn tố cáo hành vi bạo lực gia đình trong lần tiếp theo và cũng không giúp cho việc răn đe, giáo dục đối với người gây bạo lực.
Để khắc phục những bất cập trên, dự thảo luật bổ sung quy định về báo tin, tố giác về bạo lực gia đình; xử lý, xác minh tin báo, tố giác về vụ việc bạo lực gia đình; sử dụng thiết bị hỗ trợ để xác định vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.
Đặc biệt, dự thảo quy định về cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc, người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc.
Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50m trở lên, trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không áp dụng khoảng cách tối thiểu.