Chồn sói trên một ngọn đồi ở phía Tây Montana, Mỹ. Nguồn: AP.
Sáng kiến này nhằm đáp lại cảnh báo của các nhà khoa học rằng, biến đổi khí hậu có thể sẽ hủy hoại nơi ẩn náu trên núi tuyết của loài chồn sói Bắc Mỹ và đẩy chúng đến bờ vực tuyệt chủng.
Chồn sói Bắc Mỹ là loài săn mồi hung dữ, có họ hàng gần với chồn hôi. Chúng phát triển mạnh trong môi trường núi cao khắc nghiệt. Trên khắp nước Mỹ, chồn sói bị tiêu diệt hàng loạt vào đầu những năm 1900 do các chiến dịch đặt bẫy và đầu độc không được kiểm soát. Hiện còn khoảng 300 cá thể sống ở vùng tiếp giáp lãnh thổ Mỹ theo từng nhóm rời rạc, biệt lập ở vùng cao trên dãy núi Rocky phía bắc.
Chồn sói cùng với số lượng ngày càng tăng các loài động vật, thực vật và côn trùng – từ gấu Bắc cực ở Alaska đến cá sấu ở miền nam Florida – đang gặp nguy cơ lớn khi nhiệt độ không ngừng tăng lên, tình trạng tuyết rơi thay đổi và mực nước biển dâng cao. Trong những thập kỷ tới, số lượng sói trên núi dự kiến sẽ bị thu hẹp.
Quyết định của Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Mỹ xuất hiện sau hơn 2 thập kỷ tranh cãi về rủi ro của biến đổi khí hậu và các mối đe dọa đối với sự tồn tại lâu dài của các loài thú hoang dã. Trong đề xuất, các quan chức Nhà Trắng cho rằng, cần phải có các biện pháp bảo vệ theo đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng "chủ yếu do tác động đang diễn ra và ngày càng tăng của biến đổi khí hậu cũng như sự suy thoái và phân mảnh môi trường sống liên quan".
Ông Jeffrey Copeland – từng là nhà nghiên cứu sinh vật học của Cơ quan Lâm nghiệp Mỹ - cho biết, việc bảo vệ các thành trì môi trường sống còn lại của loài cho sói mang lại cho chúng cơ hội tồn tại. Việc liệt kê chồn sói vào danh sách bị đe dọa "có nghĩa là chúng ta chưa dành đủ sự quan tâm đến loài sinh vật này để cung cấp cho nó những gì chúng cần. Đây là một thất bại, nhưng trong tình huống này, nó là công cụ duy nhất mà chúng tôi có" – ông Copeland bày tỏ.