Nhiều người trẻ mới ra trường, đi làm được vài năm nhưng lại vướng phải câu chuyện "vỡ mộng" chốn công sở. Trước khi sẵn sàng để bước vào cuộc chiến kiếm tiền mới, một số người trẻ quyết định dừng chân để bồi dưỡng lại tinh thần cũng như tâm lý. Người chọn bỏ phố về quê, người lại chọn nghỉ việc để đi du lịch vài tháng. Không có lựa chọn nào hoàn toàn đúng đắn, chỉ có phù hợp với bản thân hay không!
Bỏ phố về quê, lương chỉ 7 triệu nhưng tiết kiệm được quá nửa
Bảo Anh (1998, Hà Nội), hiện đang là nhân viên văn phòng. Gắn bó với môi trường làm việc hơn 3 năm, thu nhập hàng tháng vào khoảng 12 triệu đồng. Nhưng với mức chi tiêu đắt đỏ ở Hà Nội, Bảo Anh chia sẻ cô bạn không thể tiết kiệm được đồng nào. Hơn nữa, công việc hiện tại của Bảo Anh bắt đầu tại 1 công ty startup (khởi nghiệp), lộ trình thăng tiến không rõ ràng nên không biết được tương lai. Để dễ thở hơn, cô bạn quyết định bỏ phố về quê: “Mình làm cho công ty khởi nghiệp, lộ trình thăng tiến không có, thu nhập cũng chẳng tăng bao nhiêu. Năm ngoái, mình có nộp đơn vào 1 doanh nghiệp ở quê rồi về đây sinh sống. Lương 7 triệu/tháng nhưng sống thoải mái hơn nhiều so với ở Hà Nội”.
Khi công việc không còn phát triển, nhiều người trẻ chọn bỏ phố về quê để tài chính "dễ thở" hơn. (Ảnh minh họa Pinterest)
Không chỉ xảy ra ở những người đi làm được vài năm, Thương Trần (1997, Nghệ An) cũng rời bỏ Hà Nội sau 7 năm gắn bó. Vốn có dự định làm việc ở thành phố lớn, nhưng sau vài năm trải nghiệm, Thương cảm thấy không còn phù hợp với môi trường này nữa. Công việc có nhiều thay đổi, định hướng không còn giống với mục tiêu ban đầu. Vì thế, cô bạn đã chuyển công tác về Nghệ An, vừa giải quyết vấn đề công việc, vừa được gần gũi cùng gia đình hơn. Sau khoảng thời gian về quê, Thương cảm thấy dễ thở hơn với cuộc sống hiện tại. Dù thu nhập giảm chỉ còn 1 nửa, nhưng tài chính có phần dễ xoay xở hơn. Thương chia sẻ: "Công việc cũng có khả năng thăng tiến, thu nhập ít hơn nhưng tích lũy lại được nhiều hơn. Do vậy, mình thấy khá vui với cuộc sống hiện tại”.
Tự tin nghỉ việc dù tài khoản tiết kiệm chỉ có vài chục triệu
Không chọn về quê, nhưng Mai Anh (24 tuổi, nhân viên văn phòng) lại quyết định nghỉ việc giữa lúc bão sa thải vì nhiều yếu tố. Tuy vậy, trong lúc thu nhập đi về con số 0 nhưng cô bạn vẫn vui vẻ nghỉ việc dù tài khoản tiết kiệm chỉ có khoảng 30 triệu đồng. Mai Anh cũng dự đoán rằng, thời gian tìm việc mới chắc hẳn cũng chỉ khoảng 4 tháng, nên số tiền này đủ để cô bạn trang trải trong lúc đang thất nghiệp.
Mai Anh chỉ dùng tiền cho những nhu cầu thiết yếu. “Nếu khi có công việc với thu nhập ổn định, mình thường tiêu 10-15% lương cho khoản mua sắm, khi nghỉ việc mình đã quyết định chỉ mua nếu thực sự cần hoặc có dịp đặc biệt. Mình cũng không tham gia quá nhiều buổi tụ tập như trước nữa để có thời gian đầu tư phát triển bản thân cũng như lên kế hoạch tìm kiếm công việc tiếp theo”.
Lựa chọn nghỉ việc trong bão sa thải, nhưng đổi lại có thời gian để nghỉ ngơi. (Ảnh minh họa Pinterest)
Còn Phương Vy (26 tuổi, Copywriter) thậm chí đã có 2 lần nghỉ việc. Lúc mới ra trường thì tài khoản tiết kiệm chưa nổi 10 triệu. Lần thứ 2 là do sự cố cắt giảm nhân sự, lúc này số tiền cô bạn có cũng chỉ khoảng 12 triệu đồng. Trong thời gian này, Vy cũng chọn nghỉ ngơi thêm 5 tháng để xua bớt sự khủng hoảng. Về quê ở cùng bố mẹ, nên gánh nặng tài chính cũng giảm đi đáng kể: “Mình hạn chế đi chơi với bạn bè, thi thoảng đành chai mặt xin bố mẹ nếu có chuyện gì gấp gáp hay cần nhiều tiền lắm chẳng hạn. Mình không mua sắm đồ gì mới hết. Nhưng đương nhiên với số tiền ít ỏi đó mình chỉ cầm chừng được trong khoảng 3 tháng. song song với đó vẫn tìm kiếm công việc mỗi ngày, kể cả làm ngắn hạn để xoay vòng thu nhập”.
Nhìn chung, quyết định nghỉ việc hay bỏ phố về quê là để giảm bớt các áp lực cạnh tranh, thư giãn tâm lý sau chuỗi ngày làm việc căng thẳng. Nhưng để được "nghỉ ngơi" 1 cách tuyệt đối nhất, hãy chuẩn bị tài chính thật vững vàng, rồi hãy quyết định bỏ việc để tránh lao đao.
Có 100 triệu tiết kiệm, nên "thất nghiệp" 1 năm cũng chẳng sao!
Hoàng Nhi (1998, Hà Nội) từng sở hữu mức lương ổn định, giao động 20-30 triệu/tháng. Nên vì thế, thời điểm quyết định nghỉ việc, tài khoản tiết kiệm có khoảng 100 triệu. Vì đã quá mệt mỏi với công việc cũ, cần thêm thời gian để nghỉ ngơi nên không đợi công ty có quyết định sa thải, Nhi đã mạnh dạn nộp đơn thôi việc. Dù phải đối mặt với "thất nghiệp" tạm thời, Nhi vẫn tự tin có thể sống sót trong 1 năm tiếp theo nếu không có việc làm: “Trước đây mình thường chi khoảng 12 triệu/tháng. Nhưng sau khi tính toán, cắt đi những khoản chi phí theo mong muốn như mua quần áo, uống trà sữa, mình dự tính 1 tháng sẽ tiêu khoảng 8 triệu. Nó bao gồm tiền thuê nhà 3 triệu/tháng đã tính điện nước, ăn uống khoảng 3 triệu và 2 triệu cho những vấn đề phát sinh. Thời điểm này mình cũng không muốn về quê vì vẫn muốn đi tìm việc mới”.
Dù trong hoàn cảnh nào, người trẻ cũng sẽ có cách giải quyết của riêng mình. (Ảnh minh họa Pinterest)
Từng sở hữu mức lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, Kim Trang (1996, Hà Nội) cũng có khoản tích góp cho riêng mình. Chính vì thế, Trang khá sẵn sàng nghỉ việc, dù tạm thời chưa tìm được công việc mới mà bản thân mong muốn. Cô bạn cũng cho biết, khi đã chuẩn bị sẵn cho mình khoản dự phòng trường hợp rủi ro, thì dù cho thất nghiệp trong vài tháng tới cũng chấp nhận được. "Nếu không có tiền tiết kiệm, chắc chắn sau khi xin nghỉ việc mình sẽ bị khủng hoảng và phải lao vào tìm việc mới ngay”.
Cả Nhi và Trang đều nhận thấy tầm quan trọng của tiết kiệm, giúp 2 cô bạn đứng vững trong bão sa thải. “Mình không biết tương lai có tìm được công việc có thu nhập tốt hơn hay không, nhưng mình tự tin bản thân sẽ sống tốt dù thất nghiệp trong thời điểm bão sa thải.” Tạm rời xa công việc áp lực, chốn công sở xô bồ, những người trẻ nhất định sẽ tìm được hành trang mới cho chính mình!