Lò vi sóng có lẽ là 1 trong những cỗ máy hoạt động âm thầm nhất trong mọi căn bếp của gia đình. Nhiệm vụ chính của nó là làm nóng lại các loại thức ăn bằng cách sử dụng sóng viba làm rung các phân tử nước có trong thức ăn.
Ngày nay, lò vi sóng được bày bán có rất nhiều kiểu dáng, kích cỡ và cả tính năng cũng vô cùng đa dạng. Vì thế để chọn được một mẫu lò vi sóng ưng ý trong hàng nghìn mẫu của các thương hiệu khác nhau là một điều vô cùng khó khăn.
Nếu các bạn muốn chọn cho mình một chiếc lò vi sóng đảm bảo hoạt động lâu dài, bền bỉ hãy ghi nhớ 3 kinh nghiệm này, đảm bảo các bạn sẽ không thất vọng trong suốt quá trình sử dụng.
1. Không mua loại có tính năng nướng
Tính năng nướng đi kèm với lò vi sóng là một trong những tính năng mà tôi cho là vô dụng và phí tiền nhất. Không chỉ thế, nó còn là nguyên nhân khiến cho lò vi sóng nhà bạn "ra đi" sau 1 thời gian.
Vì là tính năng kiêm nhiệm, nên bạn sẽ rất ít khi sử dụng tính năng nướng này. Hầu hết những người mua lò vi sóng kèm tính năng nướng sẽ cố gắng sử dụng thử nó một vài lần khi mới mua để "đỡ phí". Nhưng sau vài lần dọn dẹp lò, tính năng này sẽ sớm bị lãng quên.
Lò nào ra lò nấy nhé.
Lãng phí chỉ là lý do đầu tiên mà các bạn không nên chọn loại lò kiêm nhiệm. Lý do chính đó là các lò kiêm nướng sẽ có 1 "bóng đốt" riêng để đốt nóng thức ăn bằng nhiệt thay vì sóng viba, loại đèn này để có hiệu quả tốt sẽ thường được bố trí ở phía trên của lò và rọi xuống thức ăn.
Khi không sử dụng tính năng này, hơi dầu mỡ của thức ăn được làm nóng bằng sóng viba sẽ bay lên và bám vào các thanh đèn đốt của tính năng nướng. Sau khoảng vài tháng, một lớp dầu mỡ dính bết giống như trên máy hút mùi sẽ bám quanh đèn đốt của lò.
Một trong các loại "đèn đốt" dùng cho tính năng nướng.
Và khi chúng ta bắt đầu thèm món gì đó nướng, rồi chợt nhớ ra lò vi sóng nhà mình có tính năng nướng. Các bạn sẽ hì hục tẩm ướp 1 miếng đùi gà béo ngậy rồi tống vào lò vi sóng, bật chế độ nướng và hí hứng ngồi chờ.
Nhưng ôi thôi, vài phút sau bạn thấy một mùi gì đó cháy khét và khói bốc lên, đó chính là các lớp dầu mỡ bám lâu ngày trên đèn đốt bị cháy, nếu lớp mỡ không quá dày, nó chỉ cháy bốc khói 1 lúc rồi cũng sẽ đến miếng gà đầy hi vọng của bạn. Còn "đen" hơn chút nữa thì lớp mỡ keo kia sẽ cháy thành than và nóng lên rồi làm hỏng luôn bóng nướng của lò vi sóng.
2. Chọn các loại điều khiển núm vặn thay vì nút điện tử
Nút bấm điều khiển điện tử hiển thị số không tệ, nó giúp các nhà sản xuất tạo ra các tính năng phức tạp hơn cho sản phẩm, hiển thị rõ ràng hơn cho người sử dụng, nhưng độ bền lại là điểm yếu.
Các sản phẩm sử dụng nút bấm điện tử muốn hoạt động bền bỉ, lâu dài sẽ cần nhà sản xuất sử dụng linh kiện cao cấp hơn, có các biện pháp chống ẩm cẩn thận hơn để đảm bảo không có hơi nước lọt vào các phần mạch điện vô cùng nhạy cảm của máy.
Ngược lại, các loại điều khiển núm vặn sử dụng cơ học là một dạng công tắc điện "nồi đồng cối đá", dây điện nối các tiếp điểm đều là loại "to, nạc, dày" nên dù có ẩm 1 chút thì cũng chẳng bị oxi hoá đến mức đứt 1 sợi dây nào đó. Đồng thời công nghệ cổ điển này sẽ không cần có lồng chống ẩm gì hoành tráng cả. Qua đó giá thành sản phẩm cũng rẻ hơn nhiều.
Vừa rẻ vừa bền lại dễ hiểu hơn so với nút bấm.
Chính vì các tính năng vô cùng đơn giản và khó hỏng, nên với các loại lò vi sóng ở cùng 1 giá tiền, loại lò núm vặn sẽ có độ bền cao hơn, công suất làm nóng cao hơn (do phần chi phí được tập trung vào bộ phận chính của máy).
3. Chọn mẫu mã và kích cỡ mà bạn thích
Sau khi đã nắm vững 2 kinh nghiệm bên trên, thì vấn đề còn lại là hãy chọn cỡ lò, kiểu dáng và màu sắc mà bạn thích, không có kinh nghiệm gì để chia sẻ ở đây cả, chỉ cần chọn cái hợp mắt bạn là được.
Đừng quên lau chùi thường xuyên lò vi sóng để nó không trở thành nơi trú ẩn ưa thích của gián, kiến và các loại côn trùng.