Ấn Độ bất mãn vì bị tước ưu đãi thương mại
Báo Deccan Herald của Ấn Độ hồi tuần trước đưa tin, chính phủ New Delhi không hài lòng với quyết định của Mỹ trong vấn đề hủy bỏ Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) với nước này, vì thế Ấn Độ đã sẵn sàng “gia nhập cùng Trung Quốc và Nga”, đồng thời chỉ trích lập trường bảo hộ thương mại của Mỹ.
Trước đó hồi tháng 3, trong một lá thư gửi Quốc hội Mỹ, tổng thống Trump nói Ấn Độ “chưa hề đảm bảo với Mỹ là sẽ mở cửa thị trường Ấn Độ một cách bình đẳng và hợp lý” cho doanh nghiệp Mỹ. Trên cơ sở này, ông Trump chỉ đạo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) loại bỏ Ấn Độ khỏi hệ thống GSP.
Chương trình GSP quy định “một số sản phẩm nhất định có thể vào Mỹ mà không bị áp thuế quan, nếu nước hưởng lợi là quốc gia đang phát triển đáp ứng một bộ tiêu chuẩn do Quốc hội Mỹ đặt ra”. Bộ tiêu chuẩn này bao gồm bảo vệ tài sản trí tuệ cho Mỹ và cung cấp cho công ty Mỹ sự tiếp cận thị trường hợp lý, bình đẳng.
Quyết định chấm dứt ưu đãi thương mại GSP của chính phủ Mỹ đối với Ấn Độ có hiệu lực từ ngày 5/6. Bị ảnh hưởng bởi điều này, hơn 2.900 loại sản phẩm Ấn Độ xuất khẩu sang Mỹ trị giá khoảng 5.6 tỷ đô la Mỹ không còn được hưởng ưu đãi thuế từ phía Mỹ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Trang BusinessToday (Ấn Độ) đưa tin, chính phủ nước này hiện đang xem xét biện pháp ứng phó, chuẩn bị áp thuế trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, dự kiến cuối tháng này sẽ có quyết định chính thức.
Giới chức Ấn Độ cho biết Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao Ấn Độ sẽ tổ chức hiệp thương xem xét có nên bắt đầu áp dụng biện pháp thuế trả đũa theo kế hoạch, hay sẽ tiếp tục trì hoãn lại.
Hồi tháng 3/2018, chính quyền Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Ấn Độ (thuế 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với nhôm), ngay lập tức chính phủ Ấn Độ đáp trả rằng sẽ trã đũa Mỹ vào tháng 6 cùng năm bằng cách tăng thuế quan đối với 29 loại sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ như đậu xanh, táo, hạnh nhân, sản phẩm cán thép không gỉ,... Tuy nhiên, thời gian hiệu lực của biện pháp này đã bị trì hoãn kể từ 8/2018 vì nhiều lý do.
Theo thông tin mới nhất do Bộ Công thương Ấn Độ công bố, chính phủ Ấn Độ sẽ xem xét lại các biện pháp liên quan trước ngày 16/6 tới.
Washington ráo riết ngăn Ấn Độ "gia nhập" Nga-Trung
Ngoài đe dọa sẽ áp dụng các mức thuế trả đũa đối với Mỹ, chính phủ Ấn Độ cũng dự định sẽ công khai lên án các chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Trump.
Deccan Herald dẫn nguồn tin cho biết New Delhi “rất bức xúc” với quyết định của hủy bỏ ưu đãi GSP của Mỹ dành cho Ấn Độ.
Liên quan vấn đề này, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) phân tích, mặc dù chính phủ Ấn Độ đang phản ứng với quyết định hủy bỏ ưu đãi thuế GSP của của Mỹ, nhưng vấn đề trả đũa ở mức độ nào vẫn còn phải chờ theo dõi.
Báo Times of India và Financial Express của Ấn Độ cho biết, trong tháng này nhiều quan chức cấp cao của Mỹ như Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ lần lượt đến thăm Ấn Độ, “giảm căng thẳng thương mại song phương sẽ trở thành một trong những chủ đề quan trọng để thảo luận”.
Báo The Tribune (Ấn Độ) chỉ ra, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới Hàng năm Ấn Độ được tổ chức tại Mỹ vào ngày 12/6, ông Pompeo và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross sẽ phát biểu về chính sách ngoại giao và kinh tế giữa Mỹ và Ấn Độ.
Phân tích cho rằng, trước khi Mỹ chưa thể hiện rõ ràng các chính sách thì chính phủ Ấn Độ không nên phản ứng quá kịch liệt. Diễn biến sự kiện vừa khớp điểm nút ngày 16/6 để có thể quan sát những bước tiếp theo trong quan hệ thương mại Mỹ - Ấn.