Cố Cung - Tử Cấm Thành được xem là quần thể kiến trúc với quy mô lớn nhất, có giá trị nghệ thuật cao được bảo tồn hoàn chỉnh nhất ở Bắc Kinh và cũng là nơi được các nhà làm phim khai thác triệt để trong các bộ phim cổ trang của Trung Quốc.
Tử Cấm Thành, công trình kiến trúc nghệ thuật cao của Bắc Kinh, Trung Quốc.
Sơ đồ Tử Cấm Thành.
Theo tài liệu kiến trúc, Tử Cấm Thành được chia làm 2 phần: Ngoại đình (còn gọi là Tiền triều) là nơi cử hành các đại lễ, chủ yếu bao gồm các quần thể kiến trúc lớn như Thái Hòa Điện, Trung Hòa Điện và Bảo Hòa Điện.
Trong khi đó, Nội đình (còn gọi là Hậu cung) là nơi ở của Hoàng đế và Hoàng thất, cũng là nơi Hoàng đế tiếp kiến các đại thần và giải quyết công việc hàng ngày.
Nội đình tam cung (Hậu cung) gồm có Càn Thanh Cung, Giao Thái Điện và Khôn Ninh Cung. Sách Thanh Cung sử có ghi, các cung điện nội đình đều tượng trưng cho sự phối hợp trời đất, nhật nguyệt.
Càn Thanh và Khôn Ninh, tượng trưng cho trời và đất, Giao Thái ở giữa tượng trưng cho sự giao hòa.
Trên ngai vàng trong Càn Thanh Cung có treo một tấm biển với dòng chữ Chính Đại Quang Minh, là ngự bút của Hoàng đế Thuận Trị với ý nghĩa: "Con người làm việc gì cũng phải đàng hoàng, trung thực, hợp với khuôn phép".
Càn Thanh Cung được xem là tẩm cung của vua và Hoàng hậu. Thời Khang Hi, đây là nơi giải quyết những việc lớn của Hoàng đế.
Sau này đến thời Ung Chính, vua chuyển đến Dưỡng Tâm điện ở để tỏ lòng tôn kính Khang Hi, nhưng vẫn tiếp kiến các đại thần ở đây. Dưỡng Tâm điện không nằm ở trục giữa của Tử Cấm Thành mà nằm ở phía Tây nội đình, vốn là nơi ở của Hoàng Thái hậu.
Giao Thái Điện, nơi cất giữ 25 bảo ấn mà vua Càn Long đã sưu tầm.
Giao Thái Điện được thiết kế theo ý tưởng hòa hợp giữa vua và Hoàng hậu. Đây cũng là nơi cất giữ 25 bảo ấn mà vua Càn Long đã sưu tầm được, bên cạnh đó đây cũng là nơi Hoàng hậu tiếp đón Hoàng thân quốc thích.
Một góc trong Khôn Ninh Cung.
Khôn Ninh Cung vào thời Minh là nơi ở Hoàng hậu. Về sau đến đời nhà Thanh, nơi này được sửa lại theo kiến trúc của Mãn Thanh, chia cung làm hai phần Tây Noãn Thành để tế thần, và Đông Noãn Thành là nơi để vua gặp Hoàng hậu sau lễ cưới.
Các đời Khang Hi, Đồng Trị, Quang Tự đều cử hành hôn lễ tại đây.
Ngoài ra còn có, Từ Ninh Cung nằm ở phía Tây Nam Dưỡng Tâm Điện, là nơi ở của Hoàng hậu và phi tần của các đời vua trước. Phía Tây Từ Ninh Cung là Thọ Khang Cung, được xây dựng từ thời Ung Chính cũng là nơi ở của Hoàng hậu và các phi tần của các đời vua trước.
Phía Đông Nam Hậu cung có Ninh Thọ Cung là cung điện được xây dựng bởi vua Càn Long. Đây là nơi ở của vua Càn Long sau khi thoái vị cũng là mô hình thu nhỏ của Tử Cấm Thành.
Phía sau cùng Hậu cung là Ngự Hoa Viên, tức Vườn thượng uyển, đây là nơi duy nhất trong Tử Cấm Thành có cây cối. Khâm An Điện là tòa kiến trúc trung tâm, là nơi thờ cúng thần linh.
Khâm An Điện ở Ngự Hoa Viên.
Nổi tiếng nhất trong hàng loạt công trình đế vương là cụm 72 phi tần tam cung lục viện bao gồm Hậu tam cung ở giữa, hai bên tả hữu là Tây Lục Cung, Đông Lục Cung và 60 cung điện khác, tất cả là 72 tòa lâu đài.
Từ thời Ung Chính, Hoàng hậu sẽ chọn 1 trong 12 cung thuộc Tây Lục Cung và Đông Lục Cung để ở, đây còn là nơi sinh sống của Hoàng hậu, phi tần, Hoàng tử, Hoàng tôn và hàng ngàn cung nữ.
Sơ đồ Hậu cung, gồm Hậu tam cung ở giữa, phía Tây Lục Cung (từ 1-6), phía Đông Lục Cung (từ 7-12).
Trong số 12 cung, Diên Hi cung hiện tại là một trong những cung thu hút nhiều sự chú ý nhất. Năm 2018, khi bộ phim Diên Hi Công Lược và Hậu cung Như Ý Truyện được phát sóng, mọi người ở khắp nơi khi đến tham quan Tử Cấm Thành đều rất tò mò Diên Hi cung là một nơi như thế nào?
Diên Hi cung là nơi thu hút nhiều khách du lịch nhất từ sau khi 2 bộ phim cung đấu đình đám được công chiếu.
Đường vào Diên Hi cung.
Diên Hi cung là 1 trong 6 cung điện nằm ở phía Đông của Tử Cấm Thành gồm các kiến trúc như: Diên Hi môn, Chính điện, Đông điện, Tây điện, Hậu Điện, Linh Chiểu Hiên (Thủy Tinh Cung), Lầu chính, Đông lầu, Tây lầu.
Diên Hi cung được xem là một nơi không may mắn khi nhiền lần xảy ra hỏa hoạn.
Năm Đạo Quang thứ 12 (1832), cháy lớn ở phòng bếp phía Nam Đông điện, năm Đạo Quang thứ 25 (1845), Diên Hi cung lại xảy ra 1 trận đại hỏa hoạn, thiêu hủy toàn bộ Chính điện, Hậu điện cùng với Đông điện, Tây điện, tổng cộng 25 gian, cháy gần đến cửa cung.
Sau khi trùng tu, đến năm Hàm Phong thứ 5 lại tiếp tục xảy ra hỏa hoạn. Năm Đồng Trị thứ 11 (1872), từng có đề nghị phục kiến Diên Hi cung nhưng chưa thực hiện được.
Một vài hình ảnh của Diên Hi cung.
Ngoài Diên Hi môn, tất cả đều đã bị thiêu rụi. Năm 1917, phía bắc Diên Hi cung bị bom trực thăng phá hủy.
Đến năm 1931, Viện bảo tàng Cố cung kiến thiết lại Diên Hi cung làm nơi lưu trữ văn vật. Sử sách có ghi Diên Hi cung nằm gần Thương Chấn Môn - cửa ra vào Tử Cấm Thành, là 1 nơi phức tạp, ồn ào, lại xa chỗ của Hoàng đế nên chỉ các tần phi thất sủng mới ở tại nơi này.
Phác họa của Lệnh Phi.
Khi phim Diên Hi Công Lược nổi tiếng khắp Châu Á, du khách đến tham quan Diên Hi cung có thắc mắc một chi tiết không biết Lệnh phi có thật sự sống trong Diên Hi cung hay không?
Một giáo sư tên Tống Đồng - giảng viên Viện nghiên cứu lịch sử nhà Thanh thuộc đại học Quốc gia Trung Quốc cho biết, căn cứ theo tài liệu sử sách rất khó để khẳng định Lệnh phi có sống tại Diên Hi hay không?
Vì trên thực tế, phi tần của nhà Thanh đều có thể sống ở mọi nơi trong Đông Tây lục cung, không nhất thiết phi tần nào phải sống trong một cung nhất định. Cho nên, rất có khả năng Lệnh phi cũng đã từng sống ở Diên Hi cung.
Linh Chiểu Hiên hay còn gọi Thủy Tinh Cung vẫn còn công trình đang dang dở.
Trong Diên Hi cung, Linh Chiểu Hiên (hay còn gọi là Thủy Tinh Cung) là một công trình trung tâm của Diên Hi cung, được vua Phổ Nghi cho xây dựng vào năm 1909.
Tuy nhiên, bởi vì quốc khố trống rỗng nên công trình phải bị đình trệ. Khi đến tham quan Diên Hi cung, mọi người có thể tận mắt nhìn thấy được Thủy Tinh Cung vẫn còn đang dang dở.
(Nguồn: Chinatimes, baike)