Nga đã kế thừa hàng nghìn xe tăng và trang thiết bị quân sự từ thời Liên Xô. Quá đát và không còn sử dụng được, những phương tiện hoen gỉ này vẫn đang chất đồng trên khắp nước Nga và trở thành một vấn đề mà quốc gia này cần phải giải quyết.
Tái chế hay tái sử dụng những thiết bị quân sự đã cũ nát là một công việc lớn của các lực lượng vũ trang Nga. Khó có thể nói cơ quan này đã đạt được bất kỳ thành công gì không.
Sự tồn tại của các "nghĩa địa" thiết bị quân sự cũ nát mà không có bất cứ sự giám sát nào không phải là hiếm thấy. Nhiều khi, những người đi hái nấm bắt gặp cả các hệ thống tên lửa đất đối không S-200 bị bỏ hoang trong các cánh rừng ở Moscow.
Lựa chọn khả dĩ nhất cho Bộ Quốc phòng Nga trong việc xử lý các thiết bị quá đát này là tổ chức các phiên đấu giá đặc biệt. Tại đó, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể mua lại được các phương tiện bỏ đi này.
Tất nhiên, trước khi bán, tất cả các vũ khí, thiết bị quân sự cần phải được loại bỏ.
Đã có trường hợp, một xe tăng hay một xe quân sự bị bỏ đi mà chưa từng được sử dụng lần nào và đồng hồ đo lường vẫn chỉ ở số 0.
Các thiết bị được bán có thể dùng cho các mục đích dân sự. Xe tăng có thể được sử dụng là phương tiện chữa cháy. Xe thiết giáp chở quân nhiều khi là lựa chọn hoàn hảo cho các nhà thám hiểm địa lý và giới ưa chuộng thể thao mạo hiểm.
Một số thiết bị quá đát khác được chuyển cho các cơ sở sửa chữa thiết giáp. Tại đó, chúng được tháo rời từng bộ phận. Cái nào dùng được thì giữ lại còn không thì đem "vứt sọt rác".
Cách thức nữa để xử lý các thiết bị quá đát là tìm cho chúng một "nghĩa địa", để ở đó cho tới khi đem tái chế hoặc mặc chúng hoen gỉ cùng thời gian.
Nga không phải là quốc gia duy nhất phải đối diện với vấn đề xử lý các phương tiện quân sự quá đát. Những nghĩa địa như vậy có thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên thế giới. Người ta có thể thấy nó ở gần thành phố Vercelli của Italia hay Căn cứ không quân Davis-Monthan ở Arizona (Mỹ) – một trong những địa điểm lưu trữ máy bay chiến đấu hết thời lớn nhất.
Để không mắc phải những sai lầm của quá khứ, ngày nay Bộ Quốc phòng Nga thường ký thỏa thuận với các công ty chế tạo vũ khí bảo dưỡng trọn vòng đời, kể cả tái chế chúng khi không còn sử dụng. Hy vọng, tương lai Nga sẽ không còn cần tới các nghĩa địa quân sự như thế này nữa.
Các nghĩa địa xe tăng của Liên Xô tại Afghanistan