Ngày 30/4, nhiều hộ dân ở xóm mới Hồng Yên (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An ) đang bị dọa đóng không cho dùng nước máy vì... chưa nộp đủ tiền nước từ năm 2012 đến nay.
Mới chỉ truy thu từ 2015 đến nay
Mới đây, 59 hộ dân xóm mới Hồng Yên, xã Diễn Ngọc nhận được hóa đơn truy thu tiền nước máy với số tiền mỗi hộ hàng chục triệu đồng.
Hộ nhiều nhất là ông Nguyễn Đức Lục (xóm Hồng Yên, xã Diễn Ngọc) với tổng số tiền nước từ năm 2015 đến tháng 4-2018 là hơn 48 triệu đồng.
Đó chưa phải là con số tiền nước truy thu cuối cùng, bởi người thầu quản lý hệ thống nước máy xóm Hồng Yên là ông Trần Văn Hồng (48 tuổi) cho hay ông mới chỉ đưa ra con số truy thu từ năm 2015 đến nay, trong khi thời gian người dân sử dụng nước máy là từ năm 2012 đến nay.
Ông Lục nhận được thông báo nộp tiền nước quá lớn khiến ông bị choáng, tăng huyết áp. “Gia đình tôi bị truy thu 4.885 m3 nước với tổng số tiền hơn 48 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn, chúng tôi không lấy đâu ra tiền để nộp.
Đáng lý ra hằng tháng người quản lý hệ thống nước máy phải đến nhà đo số lượng qua đồng hồ nước rồi thu tiền chúng tôi mới có để nộp. Thu một cục thế này khiến tôi bị tăng huyết áp và choáng”.
Ông Lục không đóng “cục tiền” trên thì bị cắt nước máy khiến sinh hoạt gia đình bị đảo lộn.
Cũng như ông Lục, gia đình ông Thành hốt hoảng khi bị truy thu hơn 33 triệu đồng, gia đình anh Chinh hơn 21 triệu đồng, gia đình anh Hoa (cùng ở xóm Hồng Yên) hơn 11 triệu đồng.
Các hộ dân nơi đây cho biết năm 2010 đường ống nước máy được kéo về xã Diễn Ngọc . Từ năm 2011, người dân xóm mới Hồng Yên bắt đầu sử dụng nước máy sạch.
Ban đầu, hằng tháng ông Trần Văn Hồng đến từng nhà ghi số nước đồng hồ và thu tiền nước.
Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, người dân không thấy ai đến ghi công tơ nước và không thấy thu tiền nên người dân cứ “vô tư sử dụng” cho đến khi ông Hồng đòi tiền nước mới hốt hoảng.
Phía người dân, ông Hồng và cả Công ty CP Cấp nước Diễn Châu đều cho biết giữa bên cung cấp nước và khách hàng là các hộ dân đều không có hợp đồng ràng buộc về thời gian thu tiền nước máy.
Chiều 30-4, lãnh đạo UBND xã Diễn Ngọc cho rằng đây là việc mua bán nước máy giữa ông Hồng làm đại lý với người dân chứ không thông qua xã.
Sau sáu năm bán nước máy cho các hộ dân, ông Trần Văn Hồng mới đi kiểm tra đồng hồ đo nước và truy thu tiền trung bình mỗi hộ hàng chục triệu đồng. Ảnh: Đ.LAM
6 năm bỏ tiền túi nộp tiền nước máy cho cả làng
Một số hộ dân phản ánh đồng hồ đo nước đã bị chôn sâu, chưa đào lên thì “sao biết được khối lượng nước đã dùng bao nhiêu mà đưa ra con số tiền thu hàng chục triệu đồng”.
Gia đình anh Thái Bá Sơn không đồng ý thanh toán cho ông Hồng số tiền nước hơn 12 triệu đồng vì cho rằng không có căn cứ, cơ sở nào tính ra lượng nước gia đình anh đã sử dụng.
Do nợ tiền nước nên vừa qua các hộ dân bị cắt nước máy khiến cả xóm... khát nước sạch. Trước tình hình trên, cả xóm Hồng Yên đã họp và “biểu quyết” mỗi gia đình có sử dụng nước thực sự thì đóng 1/3 số tiền nước bị truy thu.
Số tiền này được ông Hồng nộp lên Công ty CP Cấp nước Diễn Châu và nơi đây mở nước máy trở lại.
Riêng có hai gia đình không đóng 1/3 số tiền nên chưa được mở nước máy để dùng.
Ông Trương Văn Hai, Giám đốc Công ty CP cấp nước huyện Diễn Châu, cho biết: “Việc dân nợ tiền và truy thu không liên quan đến công ty bởi công ty chỉ bán nước cho ông Hồng, thu tiền từ ông Hồng.
Nghĩa là ông Hồng mua sỉ, bán lẻ lại nước máy cho khách hàng là các hộ dân. Thời gian đầu thì ông Hồng tự đầu tư đường ống rồi bán cho khoảng tám hộ dân thôi, sau đó thì có gần 60 hộ dân xin đấu nối, mua nước.
Dân thấy không thu tiền nước, họ dùng xả láng, thậm chí có người còn dùng nước máy tưới đường, tưới than cho khỏi bụi. Cái này cũng có lỗi cả phía ông Hồng và các hộ dân”.
Ông Hồng cho rằng ông thầu cấp nước máy và quản lý hệ thống đường ống dẫn nước của xóm Yên Hồng từ năm 2010. Trước đây, khi ông lắp đặt ống nước về các nhà dân thì giữa ông và các hộ dân không đề ra việc thu tiền hằng tháng.
Khi chúng tôi thắc mắc về việc vì sao lại tự bỏ tiền túi đóng tiền nước máy cho cả làng lâu nay mà không nói với ai, ông Hồng lý giải: “Thời gian đầu, tôi có ghi số đồng hồ nước và thu tiền hằng tháng nhưng từ năm 2012 do tôi bận việc nên không đi thu tiền hằng tháng được và đã bỏ tiền túi ra để mua nước từ Công ty CP Cấp nước huyện Diễn Châu.
Mấy tháng gần đây, gia đình gặp khó khăn nên tôi mới phải truy thu của người dân. Tôi thừa nhận sai sót vì không thu tiền hằng tháng và đã đến các hộ gia đình để mong thông cảm, phần lớn được họ chấp nhận”.
Ông Hồng cũng cho rằng vì người dân cũng khó khăn nên trước mắt ông xin các hộ dân truy thu tiền nước từ năm 2015 đến ngày 14-4-2018, còn từ 2015 trở về 2012 thì “chưa biết tính sao đây”.
Đúng là chuyện lạ Việt Nam, đến giờ tôi cũng chưa lý giải được vì sao một thời gian dài ông Hồng tự bỏ tiền túi của nhà đóng cho nhà máy nước chúng tôi đầy đủ.
Chỉ có vừa qua, ông Hồng nợ hơn 100 triệu chúng tôi phải cắt nước máy, dân lên phản ánh mới biết sự việc.
Tôi gặp ông Hồng thì nghe nói giờ gia đình kiệt quệ rồi, không có tiền để đóng nữa. Tôi bảo ông họp dân lại, dân họ cũng thông cảm đóng tiền (một phần). Tôi hỏi ông sao cứ bỏ tiền nhà đóng thời gian dài thế, ông Hồng không nói.
Ông TRƯƠNG VĂN HAI, Giám đốc Công ty CP Cấp nước huyện Diễn Châu