Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi khiến sản lượng thịt lợn năm 2019 giảm khoảng 200.000-380.000 tấn, tương đương 7-10% so với năm 2018.
Về nguồn cung thịt lợn, số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, 11 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt heo đạt hơn 111.000 tấn với kim ngạch 124 triệu USD, tăng 108% về lượng so với cùng kỳ năm 2018.
Riêng tháng 11/2019, lượng thịt heo nhập khẩu đạt hơn 15.000 tấn với kim ngạch 15,9 triệu USD, tăng 164% về lượng và 113% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.
Thịt lợn nhập khẩu có giá trung bình rất rẻ. Ảnh minh họa
Loại thịt được doanh nghiệp "chuộng" nhập khẩu là thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương... từ các nước có ngành chăn nuôi lớn, có quan hệ thương mại với Việt Nam như Ba Lan, Đức, Pháp, Mỹ, Hà Lan.
Với giá nhập bình quân 1.117 USD một tấn, tương đương 26.000 đồng một kg, cộng các loại thuế, phí, mỗi kg thịt heo nhập khẩu bán ra thị trường khoảng 33.000 - 35.000 đồng. Cục Xuất nhập khẩu cho biết, giá thịt nhập khẩu tăng nhẹ trong hơn một tháng cuối năm 2019.
Hiện có 1.641 doanh nghiệp nước ngoài được phép xuất khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo vào Việt Nam. Khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện nhập khẩu thịt heo từ các nước, các doanh nghiệp này.
Cũng theo khảo sát của Bộ Công Thương, trong những ngày đầu năm 2020, giá lợn hơi tại Hà Nội phổ biến 93.000 đồng/kg; Hưng Yên giảm 1.000 đồng/kg xuống 94.000 đồng/kg; Hà Nam xuống 92.000-93.000 đồng/kg; Quảng Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Sơn La... giá phổ biến là 93.000 đồng/kg.
Nhìn chung, dù giá lợn tại khu vực miền Bắc vẫn ở mức cao nhất cả nước, dao động 90.000-95.000 đồng/kg, tuy nhiên, đà tăng đã chững lại và bắt đầu điều chỉnh giảm.