Theo Live Science, đó là hình ảnh của thế giới 11 tỉ năm về trước, chụp một thiên hà còn trẻ trung và vô hình trong mọi bước sóng. Đó là một bóng ma theo nghĩa đen bởi trong thời gian thực thiên hà này có thể đã rất già hoặc không còn tồn tại.
Để có được khoảnh khắc "xuyên không" này, các nhà khoa học đã sử dụng thuyết tương đối rộng của nhà bác học Albert Einstein, trong đó chỉ ra các vật thể có khối lượng lớn - như thiên hà hay ngôi sao khổng lồ - có thể đủ sức tạo ra một "độ cong" nhất định đối với không - thời gian nhờ trường hấp dẫn khổng lồ.
Hình ảnh vô tuyến của thiên hà "bóng ma" được chụp bởi một cú "bẻ cong" không - thời gian ngoạn mục - Ảnh: SISSA
Nhóm khoa học gia từ Trường Nghiên cứu cao cấp quốc tế của Ý (SISSA) đã lợi dụng một thứ như thế để làm "kính lúp" vũ trụ, một hiệu ứng gọi là "thấu kính hấp dẫn" giúp tăng đáng kể sức mạnh của ALMA, vốn đã là một mảng kính viễn vọng vô tuyến cực mạnh.
Nhờ sự "bẻ cong" không thời gian này, bức ảnh quý giá từ ALMA đã ghi lại được đường nét mờ ảo của một thiên hà đáng lẽ là vô hình.
Trong khoảnh khắc được quan sát, thiên hà này còn rất trẻ và đang hình thành sao gấp 1.000 lần so với thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà) của chúng ta ngày nay.
"Các thiên hà xa xôi như nó, trẻ, nhỏ gọi, được đặc trưng bởi sự hình thành sao mạnh mẽ, phần lớn bị che khuất bởi bụi và chứa một kho chứa khí phân tử rất phong phú, là tiền thân của các thiên hà khổng lồ không hoạt động mà chúng ta thấy trong vùng vũ trụ gần hơn của chúng ta" - đồng tác giả là nhà vật lý thiên văn Andrea Lapi từ SISSA cho biết.
Các thiên hà như "bóng ma" vừa được ghi nhận cũng cung cấp hiểu biết đặc biệt giá trị về các quá trình dẫn đến sự hình thành và tiến hóa của các cấu trúc trong vũ trụ ngày nay.