Cho trẻ tiêm phòng ngay khi đến tuổi: Không còn phải lo 10 bệnh nguy hiểm

Diệp Anh |

Có rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm gây nên bởi các loại virus, vi khuẩn. Sẽ rất nguy hiểm nếu như không tiêm phòng cho trẻ. Bài phỏng vấn chuyên gia sẽ giúp bạn có thêm thông tin.

Theo BS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, "việc đi tiêm đầy đủ là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng các bệnh lây qua đường hô hấp, đặc biệt là sởi".

Sau đây là cuộc trao đổi ngắn của phóng viên với BS Nguyễn Nhật Cảm bên lề Hội nghị tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân khu vực phía Bắc 2017-2018 vừa diễn ra tại Hà Nội.

- PV: Xin ông cho biết những biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho trẻ em nói riêng, trong cộng đồng nói chung?

- BS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng (Sở Y tế Hà Nội): Để phòng bệnh hữu hiệu, các gia đình cần đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng để tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh đúng lịch như sởi, ho gà, quai bị và một số bệnh khác. Những bệnh khác, phát hiện sớm và đưa trẻ đến các cơ sở y tế và được chẩn đoán kịp thời, hạn chế tử vong, cách ly để không lây lan cho cộng đồng.

Các bà mẹ cần chăm sóc trẻ theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y về phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, chăm sóc trẻ để không hạn chế khả năng xảy ra các biến chứng khi mắc bệnh.

Ngành y tế cũng phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để phát hiện sớm trẻ ở các cơ sở mầm non, mẫu giáo mắc bệnh để thông báo sớm, cách ly kịp thời, không lây lan cho các cháu khác trong lớp, trong trường, và đặc biệt là không lây lan ra cộng đồng.

- PV: Mùa này có phải mùa sởi không thưa ông? Năm nay hình như bệnh sởi đến sớm?

- BS Nguyễn Nhật Cảm: Bệnh sởi là bệnh lưu hành địa phương, trong đó có Hà Nội. Số mắc sởi vẫn rải rác quanh năm, tuy nhiên số mắc tăng cao trong những tháng đông xuân. Thời gian vừa qua xuất hiện thời tiết lạnh. Việc gia tăng bệnh sởi trong những tháng đông xuân cũng là theo đúng chu kỳ.

Trên địa bàn Hà Nội tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao (đạt 95-97%, có những năm lên 99%), tuy nhiên số trẻ ở Hà Nội rất lớn (150 ngàn trẻ/năm). Như vậy chỉ cần 4% không được tiêm thì đã lên đến 6.000-7.000 trẻ, nhiều năm tích lũy lại lên đến hàng chục ngàn trẻ. Những trẻ chưa tiêm chủng này hoàn toàn có nguy cơ mắc sởi nếu tiếp xúc với những trẻ bị sởi.

Cho trẻ tiêm phòng ngay khi đến tuổi: Không còn phải lo 10 bệnh nguy hiểm - Ảnh 1.

Số mắc sởi vẫn rải rác quanh năm, tuy nhiên số mắc tăng cao trong những tháng đông xuân (Ảnh minh họa)

- PV: Vậy khuyến cáo của ngành y tế là gì?

- BS Nguyễn Nhật Cảm: Chúng tôi khuyến cáo những trường hợp chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đầy đủ thì cần đi tiêm ngay. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức 584 điểm tiêm ở 584 xã phường.

Chúng tôi cũng đang triển khai tiêm chủng 1 tháng 2 lần và đang chuyển dần sang tuần 1 lần để tăng cơ hội tiêm chủng. Việc đi tiêm đầy đủ là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng các bệnh lây qua đường hô hấp, đặc biệt là sởi.

Sởi là bệnh do virus, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mắc sởi có nguy cơ tử vong do biến chứng viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, suy dinh dưỡng...

Sởi hoàn toàn phòng được bằng tiêm chủng. Trước đây hầu hết trẻ bị sởi. Nhưng từ đầu năm tới nay rải rác cả thành phố Hà Nội với 10 triệu dân chỉ có 45 ca mắc sởi là mình đã khống chế được 99,99%.

Biện pháp phòng sởi để số mắc thấp nhất là phải đưa trẻ đi tiêm chủng, tiêm đúng lịch, đủ mũi (ít nhất 2 mũi; trong đó, một mũi lúc trẻ 9 tháng, một mũi lúc trẻ 18 tháng tuổi). Ngành y tế luôn đầy đủ vắc xin để tiêm. Quan trọng nhất là các gia đình không được chủ quan, đừng nghĩ "không có dịch thì không cần tiêm" mà đến lúc "trở tay" không kịp.

Có 10 bệnh có vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng chứ không riêng sởi. Đó là: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm não Nhật Bản, lao, viêm gan B, bại liệt, viêm màng não và viêm phổi do vi khuẩn Hib).

Đi tiêm đầy đủ 10 vắc xin là phòng được 10 bệnh nguy hiểm. Ngoài ra còn có những vắc xin phòng bệnh không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng dịch vụ vẫn có, ví dụ như não mô cầu, thủy đậu, quai bị... Tiêm phòng thì sẽ ít tốn kém hơn so với khi bị bệnh. Đấy là chưa nói đến việc có thể tử vong nếu không tiêm phòng và mắc bệnh.

- PV: Vậy mà vẫn có những người, những hội nhóm kêu gọi bài trừ vắc xin, thưa ông?

- BS Nguyễn Nhật Cảm: Tiêm chủng cứu hàng vạn, hàng triệu trẻ. Giờ lại bảo không tiêm, chống lại vắc xin thì theo tôi đấy là tội ác chống lại loài người!

- PV: Xin cảm ơn ông.

Thống kê từ năm 2012 đến 2016, tại Hà Nội, chỉ riêng vắc xin sởi có tới 32.634 trẻ chưa được tiêm chủng. Theo BS Nguyễn Nhật Cảm, nguy cơ bùng phát dịch sởi sẽ là từ những đối tượng này.

Điều tra tại sao trẻ không được tiêm thì có một số lý do sau:

-Hoãn tiêm do ốm

-Chưa đến tuổi tiêm

-Do có bệnh lý bẩm sinh

-Quên lịch hoặc không tiêm.

Ngành y tế kêu gọi các gia đình nên đưa con em mình đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi để phòng bệnh đạt hiệu quả, tránh lây lan bệnh ra cộng đồng. Một số trường hợp chống chỉ định tiêm chủng (ví như có bệnh bẩm sinh), cần chuyển lên bệnh viện có đủ điều kiện để tiêm.

Xem thêm:

12.000 bác sĩ Mỹ kêu gọi "cấm" 1 món ăn yêu thích của trẻ em khắp thế giới, trong đó có VN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại