Nhiều người xót xa cho cái nghèo. Nghèo đến mức phải chở thi hài về bằng xe gắn máy thì chắc thời nay không có nhiều. Nhưng có thực là gia cảnh của người bị mất bi đát đến mức đó hay không?
Tuổi thơ của tôi đầy kí ức với bom đạn, với người chết. Tôi bắt đầu hành nghề y từ thời bao cấp, thời mà nền kinh tế của chúng ta rớt xuống hố sâu của kiệt quệ, thời mà gần như cả xã hội này đói, khổ. Hồi đó, tôi hành nghề ở một nơi có lẽ có nhiều người chết nhất trong cả nước. Nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến cái cảnh chở thi hài như vậy.
Còn ai nghèo hơn những công nhân ở Nông trường Sông Ray trong những năm 1980? Còn ai nghèo hơn những người dân đi kinh tế mới ở Đức Linh, Tánh Linh, Bình Thuận cùng thời gian đó? Những địa danh đó ám ảnh tôi vì ngày nào cũng có vài mạng người ra đi vì sốt rét ác tính thể não ở cái khoa cấp cứu, hoặc khoa săn sóc đặc biệt của bệnh viện.
Ông bà ta có câu "Nghĩa tử là nghĩa tận". Đó là nét văn hóa dân tộc. Có lẽ không chỉ có dân tộc ta. Ngay cả những dân tộc có tập tục thủy táng, thiên táng... họ cũng trân trọng thi hài, chứ đâu có tàn nhẫn như vậy. Chỉ có nạn đói năm 1945, hay những trận chiến vô cùng ác liệt trong chiến tranh, người ta mới có thể đối xử một cách thô bạo với thi hài con người ta như thế.
Tác giả - bác sĩ Võ Xuân Sơn.
Tôi suy nghĩ
mãi, nếu mình rơi vào hoàn cảnh cùng cực như vậy, thì mình làm sao? Cho
dù là người cao ngạo, tôi sẽ xin trợ giúp.
Ngay cả khi không ai trợ giúp, không còn cách nào khác, phải chở thi hài người nhà trên chiếc xe gắn máy, tôi cũng sẽ phải làm một cái "giường" đủ cho thi hài nằm ngay ngắn, rồi mới cột chắc lên xe gắn máy để chở về.
Nhưng từ cảm giác xót xa cho cái nghèo về văn hóa, tôi chuyển sang phẫn nộ, khi biết được người nhà đã dứt khoát xin về, khi người bệnh còn sống. Tôi đang đặt câu hỏi: Ai làm cho người bệnh đó chết? Có ai đủ khả năng xác nhận người bệnh đó chết trên đường? Nếu người bệnh còn sống, rất yếu ớt mà ngồi sau xe máy như vậy, thì làm sao sống?
>>> Xem thêm những bài viết cùng tác giả Tại Đây
Trong cuộc đời làm bác sĩ của mình, tôi được nhiều bệnh nhân yêu mến vì tôi luôn tôn trọng họ. Mặc dù vậy, tôi đã có vài lần nổi khùng lên quát mắng, chửi thề với thân nhân bệnh nhân. Đó là những lần họ dùng quyền "người nhà" của mình tước đi quyền được sống, quyền được cứu chữa của người thân của họ. Họ không cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ cứu người, họ không cho chúng tôi "tát" khi nước vẫn còn.
Có những lúc uất ức quá, tôi đã ước ao, giá như những người bệnh vô phúc đó không có vợ, chồng, con cái, anh chị em, giá như họ là những kẻ không gia đình lang bạt ngoài vỉa hè, gầm cầu. Như vậy, có khi họ lại đỡ khổ hơn, có khi, quyền được sống của họ không bị xâm phạm.
Tôi thấu hiểu cảm giác của các nhân viên y tế tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Sơn La, những người mà thu nhập chắc chắn là thiếu trước hụt sau, nhưng vẫn gom góp để nấu những nồi cháo tặng cho những người bệnh nghèo. Tôi hiểu họ đã uất ức như thế nào khi không thể chống lại được cái quyền "người nhà" kia. Và còn uất ức hơn nữa, khi bị cư dân mạng cho rằng, họ đã vô cảm.
Trong nhiều cái vô lí tồn tại ở xã hội ta, quyền "người nhà" là một trong những cái vô lí nhất. Tôi đã từng gay gắt với cái quyền vô lí này khi bàn về quyền được chết và quyền được sống của người bệnh. Hôm nay, sự việc này lại thổi bùng lên sự phẫn nộ trong tôi về cái quyền quái gở đó.