Cứ động đến tiền nong là y như rằng không sớm thì muộn, tình cảm cũng sứt mẻ, thậm chí là toang luôn. Lý do rất đơn giản, bên vay hẹn trả nhưng kết cục toàn là “xin khất”. Lúc đi vay thì đon đả hứa hẹn, khi bị đòi lại hằn học trách than. Chuyện này, chẳng còn lạ gì nữa.
Rõ là tiền của mình mà cứ như thể đang đi ăn xin, làm sao không bực, không tức đến mức nghỉ chơi, cạch mặt nhau cho được?
Nếu không tin, cứ thử hỏi những người từng cho bạn bè, người quen vay tiền rồi đòi mãi người ta không trả mà xem, chắc chắn họ sẽ ước giá như mình đừng quá tin người, đừng quá tình cảm, mối quan hệ có thể rạn nứt vì lời từ chối cho vay, nhưng chí ít là cũng không mất tiền.
Nhận được tin nhắn, cuộc gọi vay tiền từ anh em họ hàng hoặc đứa bạn thân, nếu số tiền chỉ là vài trăm nghìn hoặc cùng lắm là 1-2 triệu, có lẽ chẳng ai ngại cho vay khi có đủ. Nhưng nếu số tiền lên tới vài chục triệu, câu chuyện lúc này sẽ khác ngay.
Giả như mình không có để cho vay thì đã đành, đằng này nếu có mà không giúp, bản thân cũng áy náy; mà giúp thì cũng lo có ngày người ta không trả. Phải làm sao mới thuận tình đôi bên?
“Tôi với bạn viết cái giấy vay nợ, rồi chúng ta đi công chứng”
Trước khi đưa ra lời đề nghị này với người đang vay tiền mình, cứ nhẹ nhàng lựa lời thủ thỉ, đại khái: “Đây cũng là số tiền lớn với tôi, nên mình cứ tiền bạc phân minh, rõ ràng đúng thủ tục cho cả hai cùng yên tâm” .
Có thể số tiền ấy không phải là quá lớn với bạn, nhưng tiền mà, mất 1 đồng cũng tiếc chứ nói gì tới tiền triệu, chục triệu hay thậm chí trăm triệu? Lời đề nghị viết giấy vay nợ rồi đi công chứng không chỉ giúp bản thân người cho vay yên tâm, mà còn là một cách để kiểm tra độ uy tín của người đi vay.
Nếu là một người hiểu chuyện và biết giữ chữ tín, chắc chắn họ sẽ chẳng từ chối lời đề nghị của bạn, càng không hằn học trách móc “sao có tí tiền mà cũng phải vẽ ra rồi lôi nhau đi công chứng?”.
Chưa kể, khi vay người quen, bạn bè, khoản vay sẽ không bị tính lãi; hoặc nếu có, lãi cũng thấp hơn đi vay ngân hàng hoặc công ty tài chính. Người vay còn không tốn công lo thủ tục, giấy tờ.
Thế nên người biết điều sẽ không từ chối yêu cầu viết giấy vay nợ cá nhân rồi đi công chứng. Một phần vì họ biết đặt mình vào vị trí của bạn - người họ đang vay tiền, một phần vì chuyện ấy cũng chẳng mất thời gian, cùng lắm chỉ tốn 3-4 tiếng là xong. Trong khi đi vay ngân hàng, thời gian giải ngân cứ phải tính bằng tuần, nhanh cũng 2-3 ngày. Còn vay nhanh dưới hình thức vay tín chấp, không tài sản đảm bảo thì thôi khỏi bàn, vì vay nhanh đồng nghĩa với lãi suất cao.
Trong trường hợp người ta từ chối, hoặc trách ngược lại bạn “có chuyện mới nhờ mà làm gì khó khăn đến thế”, thì tốt nhất là từ chối cho vay luôn, khỏi phải nghĩ nhiều. Khi thấy bạn dứt khoát như vậy mà người ta lại xuống nước, đồng ý viết giấy nợ rồi đi công chứng, cũng đừng dại mà cả nể đồng ý cho vay.
Những “con nợ hiên ngang” sẽ không vì một lời dọa kiện mà hối hả gom tiền trả cho bạn, vì hơn ai hết chúng hiểu nếu lôi nhau ra tòa, bản thân chủ nợ cũng tốn tiền và tốn thời gian. Thế nên quan trọng nhất vẫn là phản ứng ban đầu của người đi vay với yêu cầu viết giấy nợ rồi đi công chứng, nhớ nhé!
Pháp luật Việt Nam không quy định bắt buộc công chứng đối với giấy vay tiền giữa các cá nhân. Khi hai bên thỏa thuận, thống nhất ý chí về nội dung giấy vay tiền và thực hiện giao nhận tiền, giấy vay tiền đã có giá trị pháp lý hoặc có thêm bên thứ ba làm chứng cho giao dịch.
Cho vay tiền là hình thức cho vay tài sản được thỏa thuận bằng lời nói hoặc bằng văn bản và các bên thực hiện giao nhận tiền với nhau. Việc này được thực hiện dưới hình thức văn bản, các bên và người làm chứng cùng nhau ký tên xác nhận hành vi giao nhận tiền đã xảy ra. Khi đó giấy vay tiền có giá trị pháp lý ràng buộc giữa các bên.
Theo Điều 463 Bộ Luật Dân sự 2015, quy định cụ thể như sau:
Giấy vay tiền được xem như hợp đồng vay tài sản. Bởi vì, nội dung giấy vay tiền thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tiền cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay số tiền đã vay và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Trường hợp 1: Khi các bên lập giấy vay tiền không công chứng, giấy vay tiền đã có giá trị pháp lý trên thực tế. Nhưng với giấy vay tiền viết tay không công chứng, khi xảy ra tranh chấp, một trong các bên có thể từ chối xác nhận nội dung hợp đồng thì bên còn lại phải chứng minh được sự việc đã ký vào giấy tờ vay tiền. Việc chứng minh bên cho vay tiền đã giao nhận tiền xảy ra trên thực tế sẽ khó khăn và phức tạp hơn trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Trường hợp 2: Để chắc chắn hợp đồng vay có thể đảm bảo quyền lợi cho bên cho vay, trong trường hợp giữa hai bên có tranh chấp phát sinh, nên công chứng hoặc chứng thực giấy vay tiền hoặc ít nhất là có người làm chứng thì mới xác định được chắc chắn vào thời điểm ký vào giấy vay tiền thì bên vay và bên cho vay cả hai bên đều hoàn toàn tự nguyện, minh mẫn, sáng suốt, không bị đe dọa, lừa dối hoặc ép buộc.