Những nội dung chính trong Bản tin Thực phẩm an toàn số 21:
• Rau "tắm" thuốc trừ sâu, "tắm" nước bẩn ngang nhiên lên mâm
• "Phù phép" mực thối thành mực tươi ngon chỉ trong vòng 1 nốt nhạc
• Dầu ăn 'tái chế' đen sì, bẩn như nước cống ở quán ăn vỉa hè
• Chờ có kết quả xét nghiệm, thực phẩm bẩn đã vào bụng người dân!
• Lại bắt giữ, tiêu hủy hàng nghìn lít rượu không rõ nguồn gốc trên cả nước
• Một số thông tin nổi bật khác về ATTP tuần qua
Rau "tắm" thuốc trừ sâu, "tắm" nước bẩn ngang nhiên lên mâm!
Ăn cái gì cũng sợ bẩn, độc, nhiều người dân loay hoay đi chợ mà không biết nên mua gì. Tâm lý ấy đã trở nên phổ biến trong đời sống từ nhiều năm qua.
Theo thông tin đăng trên báo Pháp Luật, không ít chuyện hài xung quanh vấn đề lựa chọn rau sạch được nêu lên. Nào là có người bán đã thủ sẵn một hộp sâu bò ngọ nguậy ở phía sau, khi có khách hỏi mua thì khéo léo ném con sâu vào mớ rau để chứng tỏ rau có sâu là rau không phun thuốc trừ sâu. Rồi khách mua xong, người bán liền... xin lại con sâu.
(Ảnh minh họa)
Hay về các khu trồng rau ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận, thật dễ dàng tìm thấy những khoảnh rau các hộ trồng riêng để ăn thì không phun kích thích, không dùng thuốc sâu hoặc nếu có phun cũng chờ đúng ngày cho phép mới ăn. Còn những thửa rau để bán luôn được "tắm" thuốc kích thích và thuốc trừ sâu.
Không chỉ "tắm" thuốc trừ sâu cho rau, ở nhiều vùng trồng rau còn tưới rau bằng loại nước ô nhiễm từ các kênh mương. Quan sát ngoài cánh đồng, các kênh mương ở ngay đầu bờ ruộng nên tiện cho việc tưới tắm. Lúc thu hoạch nếu phải rửa thì nơi đó cũng tiện lợi mà không phải vận chuyển.
Rau được thu hái, chuyển ra đầu bờ, rửa dưới kênh mương rồi được chuyển ra chợ, "ngồi" vào mâm cơm mỗi gia đình.
(Ảnh minh họa)
Theo nhiều chuyên gia, thứ nước bẩn đó không chỉ chứa chất độc hại, mà cũng là nguồn lây nhiễm bệnh vô cùng lớn. Trong nước kênh mương, các loại kí sinh trùng thường gặp là giun đũa, giun tóc, ấu trùng giun móc, giun lươn, nhiễm trứng sán lá gan nhỏ/sán lá ruột nhỏ, khuẩn E.coli và bào nang amíp…
"Phù phép" mực thối thành mực tươi ngon chỉ trong vòng 1 nốt nhạc!
Khi ra chợ, chỉ với 70.000 - 80.000 là bạn đã có thể mua được 1kg mực trông rất ngon mắt. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều người đặt dấu hỏi với chất lượng của chúng.
Trên An ninh TV có chia sẻ thông tin về xuất xứ của mực cũng như nhiều mặt hàng hải sản khác. Được biết, mộ số tiểu thương ở các chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) – nơi chuyên cung cấp các loại hải sản cho các lái buôn, các nhà hàng, cửa hàng đồ nướng… khẳng định, những loại mực này có xuất xứ Đài Loan.
Mực thối "biến" thành mực trắng ngon mắt chỉ trong "1 nốt nhạc". Ảnh: VietQ.
Theo chia sẻ từ một tiểu thương thì những con mực này đã bị... ươn lâu ngày nên phải qua khâu tẩy trắng. "Mực ấy là ươn từ lâu rồi, không ăn được. Nó để ươn quá rồi nên mới có giá 80 chứ", chủ cửa hàng này cho hay.
Thậm chí chị này còn cho biết lớp vỏ bên ngoài cũng phải lột ra để tẩy trắng. Theo một lái buôn khác thì số lượng mực mà họ thu mua ở đây là hàng từ Trung Quốc. Do chúng đã bị ươn thối nên phải ngâm vào hóa chất tẩy trắng thì mới bán được. Người lái buôn này cũng nói rằng loại mực này mua với giá 80 là đắt, chỉ tầm 60 - 70 mà thôi.
Đạm urê, chất tẩy và oxy già thường được dùng để ngâm tẩm hải sản.
Theo PGS.TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng cục An toàn thực phẩm cho biết việc dùng oxy già công nghiệp để tẩy trắng mực gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng vì chúng có tạp chất gây nên các bệnh khác nhau về đường ruột, thần kinh, niêm mạc.... Trong trường hợp phải dùng đến oxy già tức là mực đã hư hỏng, ôi, kém chất lượng.
Chưa kể, nhiều cơ sở còn sử dụng những chất độc hại như nitơrat để phù phép mực thối thành tươi ngon, trong khi hóa chất này tác dụng với axit amin của thịt và cơ thể sẽ tạo thành Nitrozamine - chất gây ung thư.
Dầu ăn 'tái chế' đen sì, bẩn như nước cống ở quán ăn vỉa hè
Những món chiên rán, xào, quay, nướng bày bán nơi hàng quán vỉa hè trông rất bắt mắt, và luôn thu hút thực khách. Thế nhưng, ít ai quan tâm đến những món ăn khoái khẩu kia, lại được chiên nấu bởi các dầu ăn rẻ tiền, không rõ nguồn gốc. Tiểu thương thì vô tư bán, còn các thượng đế thì cũng vô tư ăn.
Trong khi dư luận đang hoài nghi về các món ăn được chế biến bằng dầu tái chế, thì các phương tiện truyền thông cũng liên tục đưa tin về tác hại khôn lường của loại dầu ăn này, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng.
Liệu sau khi xem xong video này, bạn có còn đủ tự tin để ăn những đồ chiên rán ngoài vỉa hè hay không:
Dầu ăn bẩn (Nguồn ANTV)
Chờ có kết quả xét nghiệm, thực phẩm bẩn đã vào bụng người dân!
Chiều 5/7, tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 5, HĐND TP.HCM khóa IX về chuyên đề giám sát an toàn thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, trong thời gian tới đơn vị này sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát cũng như xử phạt nghiêm đối với những người buôn bán thực phẩm bẩn.
Theo Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, trước đây nếu lấy thực phẩm tươi sống kiểm nghiệm thì ba ngày mới có kết quả. Nếu kết quả dương tính thì thực phẩm bẩn đã vào bụng người dân.
Vì vậy, Ban quản lý An toàn thực phẩm đã trang bị cho các đội thanh tra phòng xét nghiệm nhanh, nếu kết quả dương tính thì ngưng lô hàng đó lại để gửi đi xét nghiệm sâu.
Lại bắt giữ, tiêu hủy hàng nghìn lít rượu không rõ nguồn gốc trên cả nước
Tại Yên Bái, từ đầu năm đến nay, Chi cục quản lý thị trường tỉnh đã rà soát, kiểm tra trên 1.500 cơ sở sản xuất, nấu rượu thủ công và kinh doanh rượu.
Qua đó, đã phát hiện 30 cơ sở vị phạm, xử phạt hành chính gần 110 triệu đồng; tiến hành tiêu hủy gần 3.300 lít rượu trắng, rượu ngâm rễ cây, quả rừng và hàng trăm chai rượu vang và rượu cao thực vật không dán tem, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng hóa vi phạm tại Kon Tum (Ảnh: VOV)
Ngày 5/7, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã tổ chức tiêu hủy hơn 100 lít rượu ngâm củ dạng sâm và gần 60 hũ thực phẩm dạng cốm, dạng cao được cho là tinh chất chiết xuất từ sâm, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 3/7/2017, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường PC49, Công an TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra Công ty CP Y học cổ truyền Nguyên Khí.
Qua trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện công ty có hành vi sản xuất, kinh doanh rượu ba kích mà không có giấy chứng nhận công bố an toàn vệ sinh thực phẩm. Gần 2.000 lít rượu ba kích các loại đã bị tịch thu cùng nhiều loại hàng hóa không đảm bảo khác.
Một số tin nổi bật khác về tình hình ATTP tuần qua
Chiều ngày 3/7, lực lượng chức năng huyện. Đến 16h ngày 4/7 công an huyện An Dương đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra khâu chế biến và phát hiện trên 300kg lòng lợn vừa qua sơ chế đã bốc mùi hôi thối, đang chờ được đưa vào tẩy trắng. (Đọc tin chính)
Lòng lợn được ngâm hóa chất để tuồn ra thị trường. Ảnh: Vietnamnet
Chiều 1/7, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết đến 18h cùng ngày, có khoảng 400 công nhân của một công ty chuyên sản xuất giày thể thao ở xã Bình Hòa (huyện Châu Thành) nhập viện với các triệu chứng nôn ói, đau đầu sau bữa ăn trưa. (Đọc tin chính)
Ẩn họa ít người biết từ đũa dùng một lần. Giá thành siêu rẻ, ăn xong thì bỏ luôn chính là những ưu điểm khiến đũa dùng một lần được ưa chuộng. Thế nhưng, ít ai biết được rằng sản phẩm này chưa hề có một quy chuẩn chung nào được ban hành đúng về chất lượng sản phẩm. (Đọc tin chính)