Chờ đến năm 2018 mua ô tô, có thật giá sẽ rẻ?

Hà Thu |

Người tiêu dùng Việt Nam bấy lâu nay đếm từng ngày đến năm 2018 khi thuế nhập khẩu về 0% để được tiếp cận ô tô giá rẻ. Tuy nhiên, dường như ước mong này khó trở thành hiện thực.

Thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN giảm thêm 10% là nguyên nhân khiến cho xe nhập khẩu từ khu vực này tăng nhanh trong thời gian qua. Số liệu thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, cả nước nhập về đạt 51 nghìn chiếc, trị giá 1,04 tỷ USD, tăng 2,9% về lượng, giảm 15% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, dù các loại ô tô khác tăng/giảm thất thường nhưng lượng ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu trong 6 tháng vẫn tăng đều đặn, đạt 26,6 nghìn chiếc, trị giá 449 triệu USD, tăng 30,1% về lượng và 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.

Cũng trong báo cáo của Hải quan, Indonesia đã chính thức vượt qua Thái Lan, Ấn Độ trở thành thị trường cung cấp xe con nhiều nhất cho Việt Nam với đơn giá nhập bình quân hơn 400 triệu đồng/chiếc.

Không chỉ dồi dào về nguồn cung, từ đầu năm đến nay các hãng đã liên tục giảm giá nhiều mẫu xe, trong đó, phải kể đến động thái giảm mạnh của Thaco với các dòng xe Mazda, Kia,… khi doanh nghiệp này tuyên bố cắt lãi hơn 2.270 tỷ (giảm 31% lợi nhuận) để phục vụ giảm giá xe.

Tương tự, Honda Việt Nam giảm giá đến 150 triệu đồng cho dòng xe Honda CR-V, Nissan giảm 125 triệu đồng cho mẫu xe X-Trail, Toyota giảm 90 triệu đồng đối với dòng xe Camry...

Mặt khác, để cạnh tranh, giá thoả thuận trên giá niêm yết của xe cộng với các điều khoản khuyến mãi cũng trở nên hấp dẫn hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều người trong giới nhận định giá các dòng xe phổ biến triên thị trường đã giảm đáng kể, ngang ngửa với mức trung bình trong khu vực.

Tuy nhiên, như Nguyễn Viết Cường (25 tuổi) nhân viên sale tại một showroom ô tô lớn tại Hà Nội lại than thở đây là thời kỳ vật lộn của các sales với chỉ tiêu bán hàng. “Các sales giờ phải san sẻ khách cho nhau mới mong sống sót”, Cường nói.

Theo anh, dù giá đang tốt nhưng khách hàng vẫn đang trong tâm lý chờ giá “tốt hơn nữa” với thông tin thuế nhập khẩu sẽ về 0% vào năm 2018.

Giấc mơ có thành hiện thực?

Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Dũng, TGĐ công ty Ford Việt Nam nhận định rất khó có xe giá rẻ như người tiêu dùng kỳ vọng. Bởi lẽ, nhiều dòng xe đã giảm khá sâu so với trước nên việc giảm hơn là điều bất khả.

Theo tính toán, với mức giảm thuế nhập khẩu 10% như thời gian qua, giá xe chỉ giảm tương ứng từ 5 – 7% nhưng thực tế nhiều mẫu đã giảm từ 10 đến 15%.

Thực tế thuế nhập khẩu chỉ là một phần trong giá bán xe. Nhiều loại thuế, phí khác ví dụ như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp,… cũng sẽ được tính vào, mà những loại thuế này đang có khả năng được điều chỉnh trong thời gian tới.

Trong khi đó, nhìn vào những chính sách gần đây, có thể thấy các nhà hoạch định chính sách đang có những động thái, một mặt hạn chế ô tô nhập khẩu, mặt khác thể hiện rõ tinh thần hỗ trợ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Điều này thể hiện trong Dự thảo Nghị định Quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô của Bộ Công thương.

Hay Nghị định 140 về phí trước bạ quy định các địa phương có thể tăng phí trước bạ từ 10% như hiện nay lên mức 15% vào năm 2018. Ở Hà Nội và TP. HCM tỷ lệ này sẽ tăng từ 12% lên 17 – 18%. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng tỏ ý sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để hạn chế xe nhập nguyên chiếc từ ASEAN tràn vào.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định chuyện giảm thuế nhập khẩu về 0% không tác động gì nhiều đến thị trường trong nước.

Từ góc độ của nhà quản lý, khi giá ô tô nhập về rẻ khiến cho việc tiêu thụ tăng nhanh khiến nảy sinh mâu thuẫn với cơ sở hạ tầng. Những hệ luỵ đi kèm sẽ khiến cho nhà quản lý không muốn người dân sở hữu nhiều ô tô nói chung chứ không riêng gì ô tô giá rẻ, do đó những rào cản sẽ được dựng lên để hạn chế việc này.

Theo đó, những rào cản có thể là phương pháp hạn chế về hành chính, khiến cho việc sở hữu một chiếc xe trở nên phiền hà, rắc rối.

“Điều này chúng ta có thể thấy như cách quản lý ô tô ở Thượng Hải hay Bắc Kinh (Trung Quốc)”, TS. Thành nói.

Tuy nhiên, biện pháp quan trọng và thực sự tạo rào cản đối với người tiêu dùng là đánh vào kinh tế, thông qua tăng thuế. TS. Thành cho rằng việc tăng thuế (trừ thuế nhập khẩu) có thể do địa phương hoặc Trung ương trực tiếp làm.

Như vậy, Viện trưởng Viện VEPR cho rằng việc đợi đến năm 2018 để mua xe giá rẻ là điều khó có thể xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại