Một người cha đang cố bán con gái của mình trên mạng xã hội WeChat
“Bé gái, 90K”, một người đàn ông đã nhắn tin như thế cho đối tác có nhu cầu muốn mua một đứa trẻ, và đề cập giá là 90.000 nhân dân tệ (hơn 300 triệu đồng). Một lúc sau, hắn ta đăng tải video của một đứa trẻ sơ sinh trong xe đẩy để làm tin.
Được biết, người đàn ông này là mấu chốt của hoạt động nhận con nuôi bất hợp pháp ở Trung Quốc, giúp những người khác lách luật nhận con nuôi và buôn bán trẻ em lấy tiền mặt.
Những năm gần đây, các nhóm nhận con nuôi bất hợp pháp đã âm thầm hoạt động tích cực trên mạng xã hội Trung Quốc, bất chấp sự kiểm soát của chính quyền.
Thế nhưng, những hoạt động ngầm này bất ngờ được chú ý hơn khi có một vụ lạm dụng trẻ vị thành niên vào tháng 4/2020 vừa qua chấn động dư luận.
Đó là vụ việc liên quan tới Bao Dục Minh, cựu giám đốc công ty viễn thông ZTE. Ông Bao đã bị cáo buộc hành vi cưỡng hiếp con gái nuôi tên Lý Tinh Tinh kể từ khi nhận nuôi cô bé ở tuổi 14.
Ngoài ra, ông Bao còn bị cáo buộc đang tìm kiếm những đứa trẻ khác trên ứng dụng tin nhắn QQ.
Sự việc của Lý Tinh Tinh đã khiến cộng đồng mạng Weibo phẫn nộ. Vào tháng 4/2020, truyền thông Trung Quốc đã phát hiện ra các nhóm chợ đen đang hoạt động trên một số nền tảng mạng xã hội nổi tiếng như QQ, Baidu, Tieba, Zhihu,...
Các nền tảng này sau đó đã tuyên bố đóng cửa các nhóm trao đổi và mua bán trẻ em và cấm các từ khóa có liên quan.
Thế nhưng, vấn đề này chẳng ảnh hưởng gì đến các nhóm chợ đen, những hoạt động ấy vẫn tái diễn và có muôn vàn cách thức để lách luật khỏi sự giám sát của chính quyền.
Cụ thể, nếu như người dùng gõ từ “nhận con nuôi” hay “cho con” sẽ không tìm thấy kết quả trên các nền tảng như QQ, Tieba, Baidu hay Zhihu.
Thế nhưng, nếu như gõ từ khóa “giấy khai sinh” thì sẽ tìm thấy hàng loạt cò mồi cung cấp dịch vụ làm giấy khai sinh giả để hợp pháp hóa hành vi nhận con nuôi.
Một phóng viên của Sixthtone khi thực hiện phóng sự này đã đóng vai khách hàng tiềm năng và liên hệ các nhóm chợ đen vào ngày 18/4/2020, mong muốn tạo giấy khai sinh mới cho một đứa trẻ với mức giá là 50.000 nhân dân tệ (khoảng 166 triệu đồng).
Một đại lý khác cũng làm việc tương tự và chào khách hàng với mức giá là 25.000 nhân dân tệ (hơn 83 triệu đồng).
Giấy khai sinh giả được nhóm chợ đen mồi chài.
Khi được hỏi liệu việc này có nguy cơ bị chính quyền phát hiện hay không, người đại diện cho biết: “Đừng lo lắng, chúng tôi luôn biết trước mọi việc”.
Ba ngày sau, người đại diện mời khách hàng tham gia vào nhóm trò chuyện nhận con nuôi trên Wechat. Nhóm này được đặt tên là “Định mệnh đã đến”, có khoảng 390 thành viên tham gia, mỗi người đều có một nickname riêng.
Những người muốn nhận con nuôi tự nhận mình là “L”, viết tắt của chữ (ling/领), trong tiếng Trung có nghĩa là “nhận nuôi”.
Những người muốn bán một đứa trẻ sẽ sử dụng từ “S”, viết tắt của chữ (song/送), tiếng Trung có nghĩa là “cho đi”.
Trong khi đó, các môi giới lại sử dụng nhiều biệt danh trực tiếp hơn như “Tôi có thể giả mạo giấy khai sinh”, hoặc “Tôi có quan hệ với các bệnh viện”.
Chính những biệt danh này có thể giúp các thành viên có thể kết nối và trao đổi dễ dàng.
Phóng viên Sixthtone đóng vai vào một khách hàng S, tức là đang muốn nhận con nuôi và tìm thấy đối tác giao dịch.
Người đàn ông này nói rằng hắn ta là bố của bé gái 9 tháng tuổi, ở Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Hắn nói rằng muốn bán con gái vì đang gặp khó khăn trong vấn đề kinh tế.
Dù vậy, phóng viên cũng không có cách nào xác minh được danh tính hoặc quan hệ thật sự giữa người đàn ông này với đứa bé.
Khi được hỏi rằng, ngoài khoản phí 90.000 nhân dân tệ (hơn 300 triệu đồng, hắn ta có muốn yêu cầu gì khác, thì người này nói rằng muốn xem video về đứa trẻ mỗi tháng trong năm đầu tiên sau khi giao dịch hoàn tất.
Không rõ hiện tại có bao nhiêu nhóm như “Định mệnh đã đến” tồn tại trên mạng xã hội Trung Quốc, nhưng loạt bằng chứng trên có thể thấy được hoạt động mua bán con nuôi ngầm hiện đang phổ biến rộng rãi.
Những đứa bé bị bán đi đa số ở vùng nông thôn và đặc biệt phải là giới tính nữ.
Một nghiên cứu năm 2013 của các nhà nghiên cứu của Đại học Cảnh sát Nhân dân Trung Quốc cho biết, các hoạt động mua bán trẻ em đang tràn lan và ảnh hưởng đến hàng chục nghìn gia đình.
Trong đó, có hơn 50% trường hợp là bố mẹ để bán con ruột của mình.
Vào năm 2017, các quan chức ở Trung Quốc ước tính rằng, phần lớn con nuôi ở Trung Quốc là bất hợp pháp và cảnh báo rằng việc nhận con nuôi này có thể dễ dàng dẫn đến việc xâm hại quyền trẻ em.
Trong nhiều trường hợp, những người nhận con nuôi thông qua mạng lưới bất hợp pháp đều là những cặp vợ chồng bị vướng mắc bởi hệ thống nhận con nuôi cứng nhắc của Trung Quốc.
Li Ying - một luật sư chuyên về quyền phụ nữ, người đã tư vấn pháp lý cho Lý Tinh Tinh trong vụ của Bao Dục Minh cho biết, luật nhận con nuôi ở Trung Quốc áp đặt nhiều hạn chế.
Thông thường, chỉ những cặp vợ chồng không con trên 35 tuổi mới được nhận con nuôi, và chỉ được nhận một đứa.
Ảnh minh họa
Chỉ trẻ em mồ côi, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và những trẻ em mà bố mẹ không có khả năng nuôi dưỡng mới được nhận làm con nuôi.
Đối với những cặp vợ chồng không đáp ứng được các yêu cầu này thì thị trường chợ đen sẽ là lối thoát duy nhất cho họ.
Li nói: “Ở đâu có cầu thì ở đó có cung. Luật nhận con nuôi rườm rà đã khiến những cặp vợ chồng này tìm đến thị trường chợ đen để nhận con nuôi bất hợp pháp.
Và khi có một số lượng đáng kể thì sẽ hình thành mạng lưới kinh doanh”.
Theo Dou Zhenfang, một nhân viên bảo trợ xã hội ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc cho biết, các cặp vợ chồng phải vượt qua một quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, thường mất đến 6 tháng để nhận nuôi một đứa trẻ một cách hợp pháp.
Sau khi nhận con nuôi, nhân viên bảo trợ sẽ thường xuyên đến gia đình nhận nuôi để kiểm tra trong vòng 1 năm.
Dou nói: “Việc mua bán trẻ em bất hợp pháp rất đáng sợ. Thứ nhất, có thể động cơ của người mua không hề trong sáng. Thứ hai, những đứa trẻ này không được bảo vệ nếu như chúng bị bạo hành”.
Ảnh minh họa.
Bao Dục Minh không phải là doanh nhân đầu tiên bị buộc tội cưỡng hiếp con nuôi bất hợp pháp.
Vào năm 2018, Shi Zengchao, một chủ doanh nghiệp may mặc nổi tiếng ở Chiết Giang, Trung Quốc đã bị cảnh sát giam giữ vì liên tục cưỡng hiếp đứa con nuôi của mình.
Theo điều tra, Shi đã nhận nuôi đứa trẻ bất hợp pháp thông qua các nền tảng trực tuyến.
Việc thiếu sự giám sát đối với các mạng lưới nhận con nuôi bất hợp pháp khiến những đứa trẻ bị tổn thương hoặc bị xâm hại.
Theo một báo cáo năm 2019 của tổ chức phi lợi nhuận Girls Protection có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, có 90% nạn nhân vị thành niên là nữ bị tấn công tình dục ở Trung Quốc, trong đó có 80% là nạn nhân dưới 14 tuổi.
Li nói: “Rất nhiều bé gái bị bán đi cho các mạng lưới nhận con nuôi bất hợp pháp.
Đa phần những bé gái này đến từ nông thôn hoặc các gia đình không có khả năng chăm sóc chúng. Tầng lớp xuất thân và giới tính là yếu tố khiến nhóm nạn nhân này đặc biệt dễ bị tổn thương”.
Ảnh minh họa
Nhóm “Định mệnh đã đến” đã thể hiện sự ưu tiên rõ ràng đối với đối tượng trẻ em giới tính nữ. Trong số 106 người nhận con nuôi được chỉ định giới tính mong muốn, thì có 73 người nói rằng họ muốn có con gái.
Trước đây, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành một cuộc đàn áp các mạng lưới nhận con nuôi bất hợp pháp.
Cụ thể, vào năm 2014, chính quyền đã đóng cửa trang web Orphan Net và ba nhóm khác, bắt giữ hơn 1000 nghi phạm và giải cứu gần 400 trẻ sơ sinh.
Theo Li, việc giám sát trở nên lỏng lẻo là do trách nhiệm chồng chéo giữa các cơ quan thực thi pháp luật. Li nói: “Vi các nhóm trên mạng xã hội không có cơ quan nào trực tiếp theo dõi nên ngày càng lộng hành”.
Hơn nữa, hệ thống pháp luật Trung Quốc có lịch sử xử các mức án tương đối nhẹ đối với tội phạm tình dục, nên không ngăn chặn được những kẻ lạm dụng.
Ảnh minh họa.
Theo Luật hình sự của Trung Quốc, các vụ cưỡng hiếp liên quan đến trẻ vị thành niên phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn, có thể bao gồm án tử hình.
Vào năm 2019, Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, họ sẽ không khoan nhượng đối với hành vi tấn công tình dục trẻ vị thành niên.
Đối với Li, việc cải cách luật pháp là điều cần thiết để hạn chế hoạt động nhận con nuôi bất hợp pháp.
Li cho rằng, chính quyền không chỉ nên áp đặt các mức án mạnh hơn đối với những kẻ bạo hành mà còn phải sửa đổi luật nhận con nuôi để ngăn chặn các cặp vợ chồng tìm đến thị trường chợ đen.
“Luật nuôi con của chúng ta phải đáp ứng nhu cầu lớn của người dân. Hãy nhìn vào Angelina Jolie và Brad Pitt, họ đã nhận nuôi rất nhiều con, mặc dù họ có con riêng”, Li nói.
Trở lại với câu chuyện của nhóm “Định mệnh đã đến”, người đàn ông từ Sán Đầu dường như hết sức vội vàng.
Sau nhiều lần hối thúc phóng viên đóng giả khách hàng nhanh chóng thanh toán, cuối cùng hắn ta đã bỏ cuộc và tiếp tục rao bán trong nhóm: “Xin chào mọi người, hãy liên lạc riêng với tôi nếu muốn có con”.