Cho con uống nước ngọt có ga gây hậu quả khủng khiếp thế này

Thu Nguyên |

Trẻ sử dụng nước ngọt có ga có thể gây ra hiện tượng còi xương, chậm lớn do tăng đào thải canxi qua nước tiểu.

Uống nước rất có lợi cho sức khỏe của bé. Nhưng uống bao nhiêu là đủ và những loại nước nào tốt hoặc không tốt cho bé thì không phải bậc cha mẹ nào cũng biết.

Theo đó, ở độ tuổi từ 2-3 tuổi trở lên, trẻ đã biết biểu đạt nhu cầu khát nước, đòi uống nước.

Vì vậy, ngay ở lứa tuổi này, các bậc phụ huynh phải là người hướng con đến uống sử dụng nước uống tốt cho con, tránh ảnh hưởng đến tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Theo Ths.Bs Lê Thị Hải, nguyên Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) có 2 loại nước uống mà các bậc phụ huynh cần tuyệt đối không nên cho trẻ sử dụng gồm nước ngọt có ga và nước có chứa caffeine.

Cụ thể, với nước ngọt có ga, Bs Lê Thị Hải cho biết, điều nguy hiểm nhất khi cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt có gas, đó là sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu.

Do đó, những trẻ này rất dễ bị thiếu canxi, làm cơ thể không có đủ canxi để tăng chiều cao, trong khi đó, bề ngang lại phát phì vì các loại nước ngọt này có hàm lượng đường rất cao.

Ngoài ra, nhiều trẻ có thể uống vài lon nước ngọt mỗi ngày nhưng nhất định không chịu uống sữa hoặc ăn các bữa chính đầy đủ. Nhìn con bụ bẫm, khỏe mạnh nhiều mẹ không thể ngờ tới rằng con mình đang thiếu canxi hay đang thấp hơn chuẩn.

Chỉ khi các biểu hiện thiếu canxi quá rõ ràng mới cho con đi khám thì nước ngọt có ga đã bào mòn chiều cao của con khá nhiều rồi.

"Nước ngọt có ga nếu trẻ em uống nhiều sẽ ảnh hưởng, vì loại nước này thực chất chỉ là năng lượng rỗng hóa học không có chất dinh dưỡng nào cả.

Ngoài ra, nó còn gây biếng ăn ở trẻ em, gây ra béo phì cho trẻ vì cung cấp đường không có vi chất dinh dưỡng. Người lớn và trẻ em đều không nên uống", Bs Hải cho biết.

Bữa ăn hàng ngày đã không cung cấp đủ lượng canxi mà cơ thể cần, lại cộng thêm việc cho trẻ uống ngọt có ga làm tăng thêm việc đào thải canxi qua nước tiểu khiến bé không đủ canxi để phát triển chiều cao.

Hàm lượng đường trong các loại nước ngọt có ga rất cao, nếu uống nhiều trong thời gian dài, năng lượng không tiêu thụ hết dẫn đến tích tụ thành lớp mỡ dưới da sẽ khiến cơ thể béo phì, là nguyên nhân tiềm ẩn của các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch… gây nguy hại lâu dài cho sức khoẻ của trẻ.

Với sản phẩm nước uống chưa chứa caffeine như trà đặc, cà phê, Coca, Bs Lê Thị Hải cho biết, sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thu chất khoáng của cơ thể nên không phải là thức uống phù hợp cho trẻ nhỏ.

Với những phân tích trên, Bs Lê Thị Hải cho rằng, các bậc phụ huynh cho con tránh xa nước ngọt có ga và sản phẩm nước uống chứa caffeine nếu muốn trẻ không thấp còi, suy dinh dưỡng.

Báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2017 đưa ra con số giật mình: Tỉ lệ béo phì tại Việt Nam đã xấp xỉ 10% dân số toàn quốc, cá biệt có địa phương gần 30%. Trong khi đó, chiều cao của người Việt gần như "giậm chân tại chỗ" trong nhiều thập kỷ qua.

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng nhận định, trẻ em Việt Nam hiện nay có hai vấn đề nguy hiểm, cần hết sức lưu tâm là phát triển chiều cao kém và tỉ lệ béo phì ngày càng tăng, dẫn đến nguy cơ vừa lùn vừa béo khi trưởng thành.

GS.TS Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết: "Béo phì từ trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở TP HCM đã tăng từ 3,7% (năm 2000) lên 11,5% (năm 2013) và tỉ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh phổ thông tại TPHCM tăng từ 11,6% (năm 2002) lên 21,9% (năm 2009).

Chung nhận định, TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam cho biết: "Ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân ước tính khoảng 100 nghìn trẻ nhưng trẻ thừa cân béo phì cũng đã xấp xỉ con số đó".

Như vậy, trẻ thừa cân béo phì và trẻ suy dinh dưỡng ở các thành phố lớn đang gần như ngang nhau.

TS Trương Hồng Sơn cũng đưa ra con số thống kê về tác hại của nước ngọt có ga. Cụ thể, với 1 người tiêu thụ một lon nước ngọt có ga mỗi ngày, có thể làm tăng gần 7 kg trong một năm. Lý do là một lon nước ngọt 600 ml chứa lượng đường tương đương 36 gram.

Mỗi ngày uống một lon nước ngọt có ga 600 ml, trong một năm cơ thể sẽ tiêu thụ thêm 23 kg đường.

Do thành phần chủ yếu của nước ngọt có ga chủ yếu là hương liệu, chất tạo ngọt, khí CO2, chất bảo quản nên không tốt về mặt dinh dưỡng. Trẻ em, người già, người muốn giảm cân, mỡ máu, người bị đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh thận không nên dùng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì được xem là một bệnh mãn tính, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người.

Béo phì nếu không được kiểm soát và điều trị đúng đắn sẽ có nhiều biến chứng như: Xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh nhồi máu cơ tim, đái tháo đường.

Đối với trẻ em trong giai đoạn phát triển thì việc thừa cân, béo phì sẽ cản trở quá trình cao lên của trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại