Sáng 20/2, Trung úy Lê Tất Lâm (cán bộ Đội CSGT số 9, Công an TP Hà Nội) trong lúc làm nhiệm vụ cùng đồng đội trên Quốc lộ 32, đoạn qua thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã bị Phạm Ngọc Quỳnh (SN 1998, trú tại Nga Sơn, Thanh Hoá) điều khiển xe máy Exciter mang BKS 36G1-297.70 tốc độ cao đâm trúng.
Cú đâm mạnh khiến Trung uý Lâm gục tại chỗ được người dân, đồng đội đưa đi cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh.
Sau khi sự việc xảy ra đã khiến nhiều người rất bức xúc, lên án hành vi chạy xe máy tốc độ cao đâm trúng CSGT của Ngọc Quỳnh, bên cạnh đó nhiều người cũng đặt ra câu hỏi với hành vi trên người đi xe máy chịu hình phạt nào của pháp luật?
Để giải đáp thắc mắc trên, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Cường cho biết: Theo quy định của bộ luật dân sự thì phương tiện giao thông như ô tô, xe máy là những nguồn nguy hiểm cao độ, những phương tiện này có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác trong quá trình sử dụng kể cả trường hợp người sử dụng không có lỗi.
Phạm Ngọc Quỳnh tại cơ quan công an.(Ảnh: CATPHN).
Bởi vậy khi tham gia giao thông những phương tiện này hoàn toàn có thể gây thiệt hại đến người khác.
Trong vụ việc trên, nếu có căn cứ cho thấy Phạm Ngọc Quỳnh đã nhìn thấy cảnh sát giao thông đang ra hiệu lệnh dừng xe với khoảng cách và tốc độ hiện có hoàn toàn có thể dừng xe để thực hiện thủ tục hành chính nhưng đối tượng đã cố tình không chấp hành mà lao thẳng xe vào cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ.
Mục đích lao xe để mong muốn cảnh sát tránh còn mình bỏ chạy, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì có căn cứ để xử lý, khởi tố Ngọc Quỳnh về tội "Giết người" theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.
Nếu bị xử lý về tội "Giết người" thanh niên này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc cao hơn là chung thân đến tử hình.
Luật sư Cường cho biết thêm, Phạm Ngọc Quỳnh chỉ không bị xử lý hình sự nếu tình huống đâm CSGT thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc sự kiện bất ngờ.
Trong trường hợp nam tài xế điều khiển xe Exciter đang tham gia giao thông với tốc độ cao, vượt đèn đỏ thì đây là hành vi vi phạm hành chính, sẽ bị xử phạt hành chính.
Nếu thấy thanh niên chạy Exicter vi phạm mà cảnh sát giao thông đứng ở khúc cua, góc khuất lao ra chặn đường khiến tài xế không kịp xử lý dẫn đến đâm vào CSGT thì tình huống như vậy là lỗi ở người thi hành công vụ, tình huống này có thể được xác định là sự kiện bất ngờ.
Theo Luật sư Cường, trong vụ việc này cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ khoảng cách giữa người điều khiển xe Exciter với cảnh sát giao thông khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe là bao xa?
Đồng thời làm rõ Phạm Ngọc Quỳnh quan sát, nhìn thấy cảnh sát giao thông từ thời điểm nào?, tại thời điểm nhìn thấy cảnh sát giao thông đang có hiệu lệnh dừng xe thì đối tượng này đã thực hiện các hành vi như thế nào, có chủ đích tông xe vào CSGT hay không?
Việc Phạm Ngọc Quỳnh tông xe vào cảnh sát giao thông có chủ ý hay không là yếu tố quan trọng làm căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật trong vụ việc trên.