Độc đáo phiên họp chợ lúc 3h sáng và nhanh chóng biến mất một cách lạ thường
Từ nhiều năm nay, với các tín đồ chơi cá cảnh tại TP.HCM, việc đi chợ lúc 3h sáng đã trở nên quen thuộc, một số người lại ví von cách họp chợ "âm phủ" là nét độc đáo riêng biệt, không trộn lẫn bất bất cứ đâu
Loay hoay chuẩn bị cá cảnh để bán cho khách, chị Xí Muội (ngụ huyện Nhà Bè) cho biết chị phải đi từ nhà lúc 2h sáng để kịp họp chợ, dù vất vả nhưng chị vẫn quyết tâm theo nghề bán cá cảnh hơn 20 năm
"Bà con đi chợ sớm nên mình cũng phải dậy sớm để bán cho bà con, ngày nào cũng 2-3h sáng, vất vả lắm chứ nhưng vì cuộc sống mình phải chịu. 6h phải tan chợ rồi, có hôm ế khách, ngồi miết mà không ai mua", chị Xí Muội nói
Chạy xe từ quận 12 để lên chợ Lưu Xuân Tín mua cá cảnh về bán lại cho khách, chú Hải cho biết vì đi chợ đêm lúc 3h sáng nên một số người gọi là chợ "âm phủ"
"Chợ này là chợ đêm, người ta gọi chợ âm phủ cũng không hợp lý lắm, chắc là cách ví von thôi", chú Hải cười nói
Dưới ánh đèn lờ mờ của đường phố về đêm, hàng chục loại cá cảnh như la hán, lia thia, koi, bảy màu, ba đuôi… được tiểu thương bày biện trên vỉa hè trong những túi nylon
Ngoài ra, một số loại ốc, tôm kiểng, tiểu cảnh cũng được bán đầy đủ. Để có thể chọn lựa cá kiểng vừa ý, những người khách mua thường sử dụng đèn pin để rọi vào, quan sát kỹ lưỡng trước khi mua về
"Ốc này gọi là ốc mượn hồn, vì nó là cua sống trong vỏ ốc, nó đổi vỏ được, anh bán ở đây mới vài tháng thôi, chợ họp đến 6h là tan rồi", anh Dũng (ngụ quận 6) nói
Mặc dù chỉ tồn tại một cách chóng vánh trong khoảng 3 tiếng đồng hồ nhưng hàng chục năm nay, chợ cá cảnh Lưu Xuân Tín đã trở thành một phiên chợ riêng biệt, đầy độc đáo tại TP.HCM
6h sáng, khi đường phố bắt đầu nhộn nhịp, phiên chợ cá cũng biến mất để trả lại mặt bằng, lề đường cho phương tiện qua lại