1. Những khán giả của game show Cuộc đua kỳ thú (The Amazing Race) hẳn vẫn chưa quên chặng chung kết năm 2013 đã kết thúc trong sự ngỡ ngàng của tất cả vì thói quen vi phạm giao thông bừa bãi của người dân Hà Nội.
Hai người chơi năm đó: Nhan Phúc Vinh và Linh Chi (đại diện cho đội Đỏ) bắt xe ôm Hà Nội đi làm các nhiệm vụ chương trình giao.
Trong quá trình lưu thông, 2 anh lái xe ôm liên tục chạy ngược chiều, đi vào đường cấm vô tư, dù người chơi Nhan Phúc Vinh rất thẳng thắn bày tỏ thái độ bất bình.
Rốt cuộc là 2 người chơi của đội Đỏ về đích đầu tiên, nhưng MC của chương trình thông báo: Do Nhan Phúc Vinh và Linh Chi ngồi trên những chiếc xe vi phạm hàng loạt luật giao thông đường bộ nên họ sẽ bị phạt chờ 30 phút ở vạch đích.
Rốt cuộc trong 30 phút trả giá cho quyết định tiếp tục ngồi trên những chiếc xe vi phạm giao thông, chức vô địch rơi vào tay đội khác.
2 thành viên đội Đỏ đánh rơi chức vô địch, rơi cả số tiền thưởng 300 triệu vì những người lái xe ôm coi thường pháp luật.
Tôi tin chắc rằng diễn viên Nhan Phúc Vinh đã rất hối hận vì không quyết liệt ngăn cản hoặc từ chối ngồi trên xe những người lái xe coi thường pháp luật.
Nhìn rộng hơn, liệu bao nhiêu người trong chúng ta từng tặc lưỡi tha cho những lái xe vô ý thức chỉ vì không muốn dây dưa phiền hà, hoặc lệch lạc hơn là nghĩ rằng: Ôi dào Việt Nam mà!
Những chiếc xe máy đi ngược chiều. (Ảnh: Petrotime)
2. Cư dân mạng đang chia sẻ ầm ầm đoạn clip ghi lại cảnh một chiếc xe đi đúng luật phải dừng chờ rất lâu để hàng chục chiếc xe cố tình đi ngược chiều trên cầu vượt Hoàng Minh Giám.
Trong những bình luận trên diễn đàn ô tô lớn nhất Việt Nam, rất nhiều người viết: Tại sao cụ (cách các thành viên diễn đàn gọi nhau) không tiến lên bịt lối thoát của những kẻ đi ngược chiều, ép họ phải trở lại làn đúng chiều.
Tôi biết người lái xe không muốn phiền hà. Thà chờ 1, 2 phút còn hơn xảy ra những va chạm không đáng có với đám du côn.
Nhưng cũng giống như câu: "Sự im lặng của người tốt còn đáng sợ hơn những việc xấu xa", tôi nghĩ rằng những lái xe tôn trọng pháp luật nên thể hiện thái độ rõ ràng với những kẻ coi thường pháp luật.
Cái gọi là "Việt Nam mà, chấp nhận đi" là cách bao biện để trốn tránh trách nhiệm. Dù bạn có đi đúng luật, nhưng làm ngơ cho những kẻ vi phạm, thực tế bạn cũng chẳng khác gì những kẻ vi phạm.
Sự suy đồi về ý thức giao thông một phần không nhỏ được tạo nên bởi sự im lặng của người tốt, hoặc tệ hơn là của cả lực lượng chức năng.
Hôm qua, trong một con ngõ với bề rộng vừa đủ để 2 chiếc ô tô lách nhau, một chiếc ô tô không chịu xếp hàng, lấn sang làn ngược chiều cố chạy thoát, nhưng đến gần vạch đích thì gặp xe tôi đi ngược lại.
Tôi quyết không nhường đường, trong khi mẹ tôi, khi chứng kiến thái độ hùng hổ của lái xe vô ý thức kia, vội vàng giục tôi nhường đường nếu không muốn rắc rối.
Đó là thời khắc mà giữa bảo vệ sự an toàn của gia đình và thể hiện thái độ trước một vi phạm quá đỗi ngang nhiên, tôi phải chọn.
Và tôi đã chọn cách thể hiện sự phản đối quyết liệt, ép chiếc xe vô ý thức kia phải lùi. Có thể tôi đã lựa chọn mạo hiểm.
Nhưng tôi tin rằng, nếu chúng ta cô lập những kẻ vô ý thức, khiến chúng phải đối mặt với sự phản đối gay gắt, chúng ta ít nhiều gì sẽ tạo nên bức tranh sáng sủa hơn cho giao thông.
Việt Nam mà, đừng bao giờ tặc lưỡi chấp nhận thực tế đất nước mãi tụt lại phía sau như thế.