Các phương tiện truyền thông Israel tiết lộ rằng chính phủ Israel đã đề nghị Ai Cập và Qatar làm trung gian để nối lại đàm phán với Hamas về trao đổi tù nhân trong khuôn khổ một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo mới.
Ngày 16/12/2023, Giám đốc cơ quan tình báo Mossad (Israel), David Barnea, đã gặp Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdul Rahman Al-Thani tại Oslo, Na Uy. Hai bên đã thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn mới ở Gaza và trao đổi con tin Israel và tù nhân Palestine bị Israel giam giữ.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao của Qatar và Israel kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn ngày 22/11/2023 kéo dài một tuần do Qatar và Ai Cập làm trung gian đổ vỡ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã xác nhận việc tổ chức các cuộc đàm phán mới này. Hội đồng Chiến tranh Israel cũng đã thảo luận về khả năng ký kết thỏa thuận thả những người bị giam giữ.
Trước đây, ngày 21/11/2023 một lệnh ngừng bắn nhân đạo đạt được giữa Hamas và Israel, theo đó 80 con tin Israel và 240 tù nhân Palestine đã được trả tự do.
Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm gia hạn lệnh ngừng bắn đã thất bại, ngày 1/12/2023, Israel đã nối lại các hành động quân sự tại Gaza. Hiện nay vẫn còn 137 con tin Israel bị Hamas giam giữ và hơn 5.000 người Palestine trong nhà tù Israel.
Binh lính Israel hoạt động ở Dải Gaza. Ảnh: Reuters
Israel đề nghị trở lại đàm phán
Thủ tướng Netanyahu đã nhiều lần tuyên bố, Israel mở chiến dịch quân sự quy mô lớn nhất từ trước tới nay là nhằm tiêu diệt Hamas và giải phóng con tin. Tuy nhiên, đến nay đã bước sang tháng thứ ba, Israel không những không thực hiện được hai mục tiêu này mà còn chịu tổn thất đáng kể.
Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) thừa nhận 115 binh sĩ Israel đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công trên bộ vào Gaza ngày 27/10, đưa số binh sĩ bị thiệt mạng tính đến ngày 14/12 tổng cộng lên tới 445 và hơn 5.000 người bị thương, 58% trong số đó bị thương nặng kể từ ngày 7/10, khi các lực lượng Hamas phát động cuộc tấn công Israel. Đây là con số của Israel công bố, theo nhiều nguồn tin, trên thực tế con số này cao hơn nhiều.
Đặc biệt, ngày 13/12, quân đội Israel cho biết 10 binh sĩ của họ, bao gồm cả một chỉ huy đơn vị, đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh với Hamas giành quyền kiểm soát một khu vực ở Shejaiya, đông bắc Gaza. Đây là số binh sĩ Israel bị thiệt mạng lớn nhất kể từ khi IDF tiến hành chiến dịch quân sự tại Gaza.
Về kinh tế, ngân hàng trung ương Israel đã đưa ra ước tính cuộc chiến tại Gaza mỗi ngày tiêu tốn khoảng 260 triệu USD và dự kiến chi phí cho toàn bộ cuộc chiến này có thể sẽ lên tới hơn 53 tỷ USD, chiếm khoảng 10% GDP của đất nước. Nếu chiến tranh kéo dài, chi phí này sẽ còn tăng hơn nữa.
Trong khi đó, theo thống kê của Palestine và Liên hợp quốc, tính đến ngày 17/12, số người Palestine thiệt mạng trong chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza đã lên tới khoảng 19.000, trong đó hơn một nửa là trẻ em, phụ nữ và người già, 51.000 người bị thương, 80% trong số 2,3 triệu dân Gaza phải bỏ nhà cửa ra đi, nhiều cơ sở hạ tầng dân sự, trong đó có bệnh viện và trường học bị phá huỷ. Gaza đang đứng trước một "thảm họa nhân đạo chưa từng có".
Gaza không phải là mặt trận duy nhất Israel bị tấn công. Miền bắc Israel cũng đang phải hứng chịu các đòn tấn công liên tiếp bằng tên lửa của Hezbollah từ Lebanon.
Các lực lượng Houthi ở Yemen tiếp tục bắn vào các tàu Israel và nước ngoài chở hàng cho Israel qua khu vực Biển Đỏ và eo biển Bab al-Mandab, phong tỏa hàng hóa nhập khẩu của Israel thông qua tuyến đường. Các hoạt động của Houthi ở khu vực này đặt Israel dưới áp lực kinh tế và tăng gấp đôi chi phí cho cuộc chiến mà nước này đang tiến hành nhằm vào Gaza.
Cuộc đàm phán dự kiến diễn ra một ngày sau khi quân đội Israel tuyên bố đã giết nhầm 3 con tin ở Gaza, một vụ việc làm gia tăng áp lực lên chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong việc thực hiện các bước đi mới để giải phóng 129 con tin còn lại.
Người Palestine kiểm tra ngôi nhà bị Israel tấn công. Ảnh: Reuters
Áp lực nội bộ và quốc tế thúc đẩy Israel nối lại đàm phán
Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng việc Thủ tướng Netanyahu đề nghị nối lại đàm phán với Hamas không phải xuất phát từ thiện chí mà là do chịu nhiều áp lực khác nhau cả trong nội bộ và quốc tế.
Trong một năm, ông Netanyahu đã đứng đầu một chính phủ liên minh cực hữu nhất trong lịch sử của Nhà nước Do Thái. Tại Israel, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng các cuộc điều tra về thất bại quân sự và tình báo chống lại Hamas sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Galant cho rằng, sức ép gia tăng đối với quân đội Israel buộc chính phủ phải xem xét khả năng ký kết một thỏa thuận ngừng bắn mới. Ông cũng nói rằng Israel sẵn sàng thỏa thuận với Hezbollah của Lebanon, với điều kiện thỏa thuận đó bao gồm một vùng đệm an toàn ở biên giới và những đảm bảo thích hợp.
Thành viên Hội đồng Chiến tranh Israel Benny Gantz cũng cho rằng, Israel phải tìm cơ hội để thúc đẩy quá trình đàm phán trở lại dưới sự trung gian hòa giải của Qatar và Ai Cập.
Thủ lĩnh phe đối lập Israel, cựu Thủ tướng Yair Lapid nói, ông Netanyahu không thể tiếp tục giữ chức vụ của mình. Ông kêu gọi tổ chức bầu cử ngay trong khi cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza. Đây là lời kêu gọi đầu tiên của một quan chức cấp cao Israel về việc tổ chức bầu cử trong thời kỳ chiến tranh.
Trong khi đó, các gia đình của các con tin bị giam giữ ở Gaza đã liên tục đòi chính phủ bằng mọi cách phải đưa được con em của họ trở về. Hàng nghìn người tập trung biểu tình trước Bộ Quốc phòng giương cao các biểu ngữ đòi chính phủ bằng mọi cách đưa con em của họ về nước.
Vào ngày 8/12, 13/15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza. Mỹ là nước duy nhất phủ quyết nghị quyết này, Anh bỏ phiếu trắng. Điều này buộc Mỹ phải xem xét lại quan điểm của mình trong việc ủng hộ Israel.
Không phải ngẫu nhiên Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo Thủ tướng Netanyahu rằng Israel đang mất đi sự ủng hộ của quốc tế vì các vụ "đánh bom bừa bãi" ở Gaza và nên thay đổi chính phủ của mình vốn do các đảng cực hữu thống trị. Đây là lời chỉ trích gay gắt nhất của ông từ trước đến nay về cách ông Netanyahu xử lý cuộc chiến của Israel ở Gaza.
Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 12/12 cũng đã thông qua nghị quyết kêu gọi "ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức" với 153 phiếu thuận, 10 phiếu chống ủng hộ Israel và 23 phiếu trắng. Cuộc bỏ phiếu không mang tính ràng buộc nhưng nó đóng vai trò như một thước đo quan trọng của dư luận thế giới. Không có cường quốc nào tham gia cùng Israel và Mỹ để phản đối lệnh ngừng bắn.
Kết quả bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc lần này cho thấy sự ủng hộ của các nước phương Tây và thế giới dành cho Israel trong cuộc chiến ở Gaza đã giảm mạnh trong hai tháng qua. Đa số 17 trong số 27 quốc gia EU ủng hộ nghị quyết trên, trong khi chỉ có 2 nước của tổ chức này bỏ phiếu chống và 8 phiếu trắng. Để so sánh, ngày 27/10, trong cuộc bỏ phiếu về nghị quyết tương tự, chỉ có 8 nước EU ủng hộ, 4 nước phản đối và 15 nước bỏ phiếu trắng.
Thủ tướng Israel gặp áp lực trong và ngoài nước về lệnh ngừng bắn. Ảnh: Reuters
Ngày 6/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lần đầu tiên viện dẫn điều 99 Hiến chương Liên hợp quốc cho phép ông triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an để đưa ra cảnh báo coi cuộc chiến của Israel ở Gaza là đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Cao ủy phụ trách An ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell ủng hộ quyết định của Tổng thư ký Liên hợp quốc và kêu gọi các thành viên Liên minh châu Âu ủng hộ quyết định đó.
Chính phủ Úc, Canada và New Zealand cũng đã ra tuyên bố chung, kêu gọi chấm dứt chiến sự ở Gaza để cho phép "tiếp cận nhân đạo an toàn và không bị cản trở" đối với tất cả thường dân Palestine và thả tất cả các con tin còn lại.
Các cuộc đàm phán sẽ hết sức khó khăn
Kênh Channel 12 của Israel tiết lộ, Hội đồng chiến tranh Israel sẽ thảo luận về cách tiếp cận mới đối với một thỏa thuận trao đổi tù nhân mới với Hamas.
Tel Aviv đã đưa ra một đề xuất có thể bao gồm một "gói cứu trợ nhân đạo lớn", yêu cầu trả tự do cho những phụ nữ còn lại, những người bị bệnh, bị thương và người già đang bị Hamas giam giữ, để đổi lấy việc trả tự do cho số lượng lớn tù nhân với các nguyên tắc chung tương tự như thỏa thuận trước đây.
Tuy nhiên, phong trào Hamas coi việc Tel Aviv đề nghị đàm phán trở lại chỉ là một "thủ đoạn" đánh lạc hướng dư luận nhằm giảm bớt áp lực nội bộ và quốc tế sau khi không giải phóng được các con tin bằng vũ lực và sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc chiến của Israel ngày càng suy giảm.
Hamas coi việc Israel đề nghị quay trở lại đàm phán là một chiến thắng của họ, buộc Israel phải tuân theo các điều kiện của mình trên nguyên tắc phải trả tự do cho tất các các tù nhân Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù của Israel và yêu cầu Israel ngừng bắn, rút quân về một số đường ranh giới nhất định, nhưng đến nay Israel vẫn không chấp nhận điều kiện này.
Đặc biệt, Thủ tướng Netanyahu vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi Hamas bị tiêu diệt và những con tin còn lại được thả.
Các thủ lĩnh Hamas tuyên bố "sẽ không có cuộc đàm phán nào liên quan đến bất kỳ thỏa thuận trao đổi tù nhân, ngoại trừ sau khi Israel chấm dứt toàn bộ các hành động tấn công Dải Gaza và đáp ứng các điều kiện của các tổ chức kháng chiến".
Các cuộc tiếp xúc này mới chỉ là bước khởi đầu. Trong tình hình tương quan lực lượng hiện nay, quá trình đàm phán sẽ kéo dài, khó khăn và phức tạp. Cả Israel và Hamas tỏ thái độ sẵn sàng đối thoại, nhưng vẫn còn rất nhiều bất đồng.
Tiêu đề do Tòa soạn đặt lại.