Giả sử, một ngày nọ, khu vườn rộng 15.000m2 của bạn có đàn chim lạ đến "xâm chiếm", giữ làm nhà, và vì thế mà bạn thất thu 30 triệu/tháng, bạn sẽ xử lý thế nào? Với chị Nguyễn Thị Mỹ Xuân, chị đã chọn cách... tặng thêm cho đàn cò đến vườn dừa của gia đình chị thêm 15.000m2 đất nữa.
Chuyện là, 10 năm trước, gia đình chị Mỹ Xuân (tổ 7 ấp Thạnh Lợi, xã Đông Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) đang khai thác vườn dừa thương phẩm rộng 15.000m2, mỗi tháng thu hoạch đều đều chừng 30 triệu (gồm tiền bán dừa và khai thác thủy sản trong kênh). Bỗng một ngày, có hàng ngàn con cò thiên nhiên từ đâu bay về, làm tổ trên những ngọn dừa.
Dù sáng sáng chúng bay đi, chiều tối mới về tổ, nhưng nếu chị Xuân vẫn duy trì việc khai thác dừa, đàn cò sẽ bị hoảng loạn. Thế nên chị quyết định sẽ dừng khai thác dừa, bỏ không vườn cho đàn cò ở. Lâu lâu chị mới chèo ghe vào thăm vườn, cập nhật tình hình và tận hưởng sự thư giãn, bình yên mà khung cảnh thiên nhiên mang lại.
Vợ chổng chị Mỹ Xuân đã có duyên với đàn cò hàng vạn con được 10 năm.
Sau 10 năm, số lượng cò đã nhân lên nhanh chóng. Cò kéo thêm đàn, sinh sản thêm, và rủ cả cồng cộc về ở chung. Mỗi chiều, hàng vạn con cò mỏ vàng to như thiên nga và cồng cộc đen chao lượn qua những con rạch, đậu trĩu ngọn dừa, tạo nên cảnh tượng vui mắt.
Chị Xuân kể: "Trong 5 năm đầu đàn cò đến đây, chỉ có cò trưởng thành, cứ sáng đi ăn, tối về ngủ. Chồng mình trong một lần thăm vườn mới nói chuyện với cò: 'Nếu các vị muốn chọn nơi đây là nhà thì phải sinh sản, có con đàn cháu đống thì chúng tôi sẽ nhường đất cho ở. Chứ đây là vườn dừa trồng để lấy trái, rồi còn tôm cá dưới kênh, mà các vị cứ đi đi về về như vậy, sao mà tôi khai thác được'.
Cứ nghĩ là nói phong long vậy thôi, vợ chồng mình cũng không định đuổi hay đánh bắt gì đàn cò hết. Vậy mà chừng một vài tháng sau bắt đầu thấy cò sinh sản thật. Bắt đầu xuất hiện cò con, rồi cò con lớn lên cũng ở đây luôn, đàn sinh sôi rất mạnh.
Những gia đình cò cũ thì có chỗ đậu, còn đám cò mới thì cứ bay miết, hoặc đậu ké trên các đọt cao. Thấy vậy thương quá, vợ chồng mình trồng dừa trên 15.000m2 đất còn lại, khi đó đang bỏ không, cho bầy cò có chỗ đậu. Giờ 30.000m2 đất này là của tụi nó đó chứ!".
Chiều chiều, hàng vạn con cò rít rít gọi nhau, về ngụ trên mảnh đất 30.000m2 nhà chị Xuân.
Chị Xuân cho biết, khu chị sống là nơi đất lành chim đậu, lại yên tĩnh, không ai quấy phá, bẫy hay bắt cò nên đàn cò sống rất yên ổn. Mảnh đất của chị nằm giữa vùng U Minh Hạ và U Minh Thượng, nhiều cây cối, khí hậu mát mẻ và trong lành.
Chị Xuân và chồng đều vốn là giáo viên, yêu thiên nhiên, lại tin vào duyên của mình và đàn cò, nên ai chị không cảm thấy quá phiền khi mất đi nguồn thu nhập ổn định từ vườn dừa. Họ quan sát đàn cò đến mức thuộc luôn lịch sinh hoạt của chúng và tôn trọng tiến trình sống tự nhiên của đàn cò. Họ cũng không coi chúng là khách, mà yêu thương như thể đó là gia đình mở rộng của mình.
Ông chủ vườn cò chèo ghe cho khách tới chơi. Khách cũng có thể giao lưu với đàn cò trong giới hạn an toàn cho chúng.
Điều đặc biệt thú vị mà chị Xuân cho rằng đàn cò đang "trả ơn" mình, khi dành thời gian quan sát sự thay đổi của vườn dừa. Sau 10 năm, hệ sinh thái ở khu vực vườn dừa dường như đa dạng hơn. Vì ít có sự can thiệp của con người, thiên nhiên đã tự cân bằng một cách thân kỳ: Tôm cá dưới kênh dồi dào, trong vườn cũng "tự có" nhiều loại cây khác ngoài dừa, và cũng sinh trưởng tốt.
Vài năm trước, vợ chồng chị Xuân mở một quán cafe, bán đồ ăn sáng cho khách du lịch ghé qua chơi. Từ giữa năm nay, anh chị gọi nơi mình sống là vườn cò An Lạc, mở thêm dịch vụ nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp ăn uống, đón khách muốn đến ngắm cò, tận hưởng không gian yên tĩnh thanh bình.
Khách du lịch sẽ tới vườn tụ tập ca vọng cổ, trò chuyện, ngắm cò và được chủ vườn chèo ghe khám phá xung quanh, miễn là tôn trọng tập quán sinh hoạt, tránh gây ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của đàn cò.
Nguồn ảnh: Độc lạ Bình Dương, Vườn cò An Lạc