Ngày 1/7 tờ Al-Masdar News xuất bản bài viết - "Ưu thế trên không của Israel ở Lebanon khiến Syria gặp phải những vấn đề nghiêm trọng" (Israel’s air supremacy over Lebanon leaves Syria in serious trouble).
Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về các mối quan hệ phức tạp ở Trung Đông, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Ưu thế của Israel trong không phận Lebanon
Không phận Lebanon,"sân sau" của không quân Israel (IAF) đã thực sự trở thành "khúc xương khó nuốt" đối với quân đội Syria và đồng minh Iran.
Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn khi Israel liên tục dùng bầu trời Lebanon để không kích vào các vị trí của Syria ở các tỉnh thành gần biên giới như Homs, Damascus và Tartous.
Mặc dù quân đội Syria theo dõi chặt hành trình của các máy bay chiến đấu của Israel dọc theo biên giới Syria-Lebanon, nhưng họ vẫn tiếp tục kiềm chế, không bắn hạ máy bay đối phương vì một động thái như vậy sẽ kích hoạt "phản ứng mạnh" của IAF.
Các vị trí trên lãnh thổ Syria bị Israel không kích bằng tên lửa rạng sáng ngày 1/7.
Phòng không Syria đã phải chứng kiến hết lần này đến lần khác các cuộc không kích bằng tên lửa và bom liệng diễn ra từ không phận Lebanon vào các căn cứ của họ.
Syria khó có thể có hành động cụ thể nào trong trường hợp này vì họ gần như không có sự hiện diện quân sự trong lãnh thổ Lebanon.
Hơn nữa, Lebanon không "hợp tác" với Israel trong các cuộc không kích này, họ - cũng như Hezbollah đơn giản là không có khả năng phòng không để bắn hạ máy bay chiến đấu của Israel bay tới gần biên giới Syria, chứ chưa nói đến việc ngăn xâm nhập không phận của họ.
Video cho thấy tên lửa của Israel bay trên không phận của Lebanon đêm ngày 30/6 - rạng sáng ngày 1/7.
Lebanon gần như không có phòng không và hệ thống S-300 "chưa sẵn sàng" của Syria?
Syria và Lebanon khiếu nại trước cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Liên Hiệp Quốc về các hành động của Israel là vô nghĩa vì IAF đã nhiều năm "ra vào" không phận Lebanon hàng ngày mà không chịu bất kỳ hậu quả gì.
Khả năng quân sự của Lebanon phụ thuộc vào các quốc gia phương Tây, đặc biệt là các thành viên Hội đồng Bảo an như Hoa Kỳ, Pháp và Anh, những nước được cho là viện trợ lớn nhất cho quốc gia này vũ khí và trang bị quân sự.
Cả ba quốc gia phương Tây nói trên đều bày tỏ lo ngại về việc nhóm vũ trang Hezbollah có thể sở hữu vũ khí được trang bị cho quân đội Lebanon, vì vậy ý tưởng cung cấp cho hệ thống phòng không là điều "không nên nói tới" đối với các nhà tài trợ.
Cho tới hiện tại, hệ thống phòng không mạnh nhất của Lebanon được công khai là pháo phòng không 100 mm KS-19 gắn trên khung gầm xe thiết giáp GM-575 của lực lượng Hezbollah. Tuy nhiên, loại vũ khí này khó có thể bắn hạ máy bay của IAF xâm nhập biên giới.
Đối với Syria, việc mua lại hệ thống S-300 từ Nga được cho là một sự thay đổi lớn cho hệ thống phòng không của họ. Nhưng không may cho Syria, Israel sở hữu một trong những lực lượng tình báo quân sự mạnh nhất thế giới.
Như đã thấy trong cuộc không kích tháng 4/2019 vào thành phố Masyaf, Israel biết rõ hệ thống phòng không S-300 của Syria vẫn chưa sẵn sàng và khai thác rất tốt điểm yếu này.
Israel thu được nhiều lợi ích từ mối quan hệ tình báo chặt chẽ với không chỉ Liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu mà cả lực lượng Nga đang hỗ trợ chính phủ Syria trong cuộc chiến.
Nga có thể tuyên bố các cuộc không kích của Israel ở Syria là không chấp nhận được, nhưng họ sẽ không can thiệp vì hiện đang có một số "thỏa thuận" với chính quyền của Thủ tướng Netanyahu.
Các vấn đề nói trên đã khẳng định rằng Lebanon không thể tiếp cận được các hệ thống phòng không từ bên ngoài trừ Iran.
Hezbollah bị Israel cáo buộc sở hữu các hệ thống phòng không SA-8, SA-22 (9K33 Osa, Pantsir-S1 do Syria viện trợ),SA-17 (Khordad-3 do Iran viện trợ). Tuy nhiên cho tới hiện tại chưa có hệ thống nào được phát hiện.
Con đường nối thông ra Địa Trung Hải của Iran sẽ là "chìa khóa"?
Quyết tâm của Israel là không để Iran có sự hiện diện quân sự ở Syria. Damascus và Tehran đang cố gắng vượt qua "rào cản" này của Israel bằng cách phát triển một tuyến đường sắt và đường cao tốc quốc tế xuyên khu vực nối liền hai nước.
Mặc dù các con đường sẽ không phải là cách ngăn chặn trực tiếp các cuộc không kích của Israel, nhưng nó sẽ cho phép Iran và Syria mở rộng khả năng hoạt động, cũng như là "chìa khóa" để giải quyết vấn đề không phận Lebanon.
Hệ thống phòng không Khordad-3 có thể được đưa tới Lebanon nhờ các tuyến đường qua lãnh thổ Iraq và Syria.
Cùng với việc tuyến đường được nối thông, Iran có thể sẽ trang bị cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon các hệ thống phòng không mà họ tự sản xuất, đã được "thử lửa" sau vụ bắn rơi UAV RQ-4A Global Hawk hôm 20/6 tại Vịnh Ba Tư.
Đây có lẽ là điều Israel không mong muốn nhất, và từ nay cho tới khi tuyến đường được đưa vào sử dụng thì IAF vẫn tiếp tục di chuyển tự do trong không phận Lebanon và bắn tên lửa, ném bom vào các vị trí của Syria và Iran.
Hiện tại cả Syria và Iran đều "nhẫn nhục chờ thời", một khi tuyến đường được nối thông, Israel sẽ mất đi "sân sau" Lebanon, quá trình này khó có thể đảo ngược dù IAF có thực hiện hàng trăm nhiệm vụ không kích trong tương lai.
Hệ thống phòng không Khordad-3 của Iran bắn hạ UAV RQ-4 của Mỹ hôm 20/6 (Nguồn Press TV).