Dưới đây là bài viết được đăng tải trên CNN của nhà bình luận Stephen Collinson. Ông Collinson là cây bút giàu kinh nghiệm đối với các vấn đề chính trị tại nước Mỹ và trên khắp thế giới. Ông đã làm việc tại hãng tin AFP 17 năm trước khi tham gia CNN.
Hai nền chính trị bất ổn
Ở hai bên bờ Atlantic, Mỹ và Anh - hai đồng minh với nhiều điểm tương đồng - đều đang trải qua những biến cố lớn về mặt chính trị.
Tại London, ngày 15/1 (giờ Anh), bà May đã phải chịu sự thất bại tồi tệ nhất trong lịch sử chính trị hiện đại trong cương vị của một thủ tướng. Các nhà lập pháp đã bác bỏ thỏa thuận Brexit với EU bằng 432 phiếu chống áp đảo so với 202 phiếu thuận.
Trong khi đó, tại Mỹ, chính phủ đã đóng cửa một phần trong 26 ngày liên tiếp và không có dấu hiệu dừng lại. Đây là hệ quả của sự bất đồng giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và các nghị sĩ Đảng Dân chủ về việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico nhằm chống lại tình trạng nhập cư trái phép và ồ ạt trong thời gian vừa qua.
Theo CNN, thật khó tin khi hai nền dân chủ lớn - và thường được cả thế giới coi là tấm gương về sự ổn định - lại rơi vào cảnh tượng hiện tại.
Ngày hôm nay, tình cảnh đã khác xa với thời Tổng thống Franklin Roosevelt - Thủ tướng Winston Churchill hay Tổng thống Ronald Reagan - Thủ tướng Margaret Thatcher cùng nhau liên kết đối mặt với các mối đe dọa đối với nền dân chủ tự do của phương Tây.
Ông Trump và bà May đang gặp vấn đề chính trị lớn trong thời gian cầm quyền. Ảnh: KEVIN LAMARQUE / REUTERS
Có thể thấy rõ ràng, sự bất ổn chính trị ở phương Tây hiện tại đang đến từ ngay bên trong đất nước, từ sự bất đồng trong quá trình tìm giải pháp đối với những câu hỏi nhức nhối như mối quan hệ của Anh với châu Âu và vấn đề nhập cư ở Mỹ.
Hệ quả là, cả chính trường Anh và Mỹ đều "chao đảo" và khó có thể tìm thấy tiếng nói chung để giải quyết các vấn đề trước mắt.
CNN cho rằng, đây chính là điều ông Putin muốn thấy nhất.
Trong thời gian gần 20 năm lãnh đạo nước Nga, ông Putin dường như đang cố gắng tái gây dựng lại tầm ảnh hưởng của nước Nga đối với thế giới, như Liên Xô đã từng làm trước đây.
Nga đã bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bỏ phiếu Brexit và cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 - những sự kiện quan trọng mà cuối cùng dẫn tới những khủng hoảng hiện tại ở phương Tây.
Dưới thời ông Putin, Nga đã lấy lại bán đảo Crimea từ Ukraine và khôi phục vai trò chủ chốt tại Trung Đông.
Trong 2 năm trở lại đây, ông Putin đã có thêm một "đồng minh bất đắc dĩ": ông Trump. Những quyết định của tổng thống Mỹ hiện tại - bao gồm công kích NATO, gây bất đồng với đồng minh của Mỹ và đưa lính Mỹ rút khỏi Syria - đều giúp gia tăng tầm ảnh hưởng của Nga.
Ông Trump và bà May rất khác biệt về tính cách và phong cách chính trị. Ảnh: Sky News
Không thể không nhắc tới một chiến thắng khác dành cho ông Putin khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hé lộ từng tổ chức cuộc điều tra phản gián đối với chính tổng thống Mỹ vì nghi ngờ ông Trump đang "bí mật làm việc cho nước Nga".
Mối quan hệ bí ẩn của ông Trump với nhà lãnh đạo Nga đã được thể hiện khá rõ ràng tại thượng đỉnh ở Helsinki năm ngoái. Ông Trump đã thường xuyên áp dụng cách nhìn nhận của ông Putin đối với các vấn đề thế giới mặc cho những lời tuyên bố rằng ông Trump là vị tổng thống cứng rắn nhất với nước Nga.
Điểm giống và khác
Tại Mỹ, ông Trump liên tục củng cố quan điểm của mình với bức tường biên giới. Việc giữ lời hứa với những cử tri trong chiến dịch tranh cử tổng thống cũng quan trọng như việc phe ủng hộ Brexit giữ vững kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 để rời khỏi EU.
Khi tổng thống Mỹ không lùi bước và Đảng Dân chủ kiên quyết không nhượng bộ, 800.000 nhân viên chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục phải làm việc không công trong những ngày tới.
Trong khi đó, nước Anh đang chìm trong khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất từ thời Thế Chiến I. Mặc dù đa số cử tri đã bỏ phiếu rời khỏi EU, không ai biết làm thế nào để có cách rút lui hợp lí, và khoảng một nửa người dân Anh vẫn muốn đất nước này ở lại EU.
Ông Trump và bà May rất khác biệt về tính cách và phong cách chính trị.
Bà May đã hoạt động trong Đảng Bảo thủ từ lâu và dành nhiều năm để chính thức nắm quyền lãnh đạo cả nước.
Ông Trump lại là một "hiện tượng lạ" khi chưa bao giờ nắm quyền trong chính phủ trước khi trở thành tổng thống.
Nhưng cả hai nhà lãnh đạo lại cùng theo đuổi mục tiêu của mình theo cách khó có thể rút lui, và thường lặp lại những câu slogan như "Xây bức tường" hay "Brexit có nghĩa là Brexit".
Dù sự kiên trì có thể tạo ra sức mạnh, nó cũng có thể phản tác dụng.
Ngày này qua ngày khác, ông Trump tuyên bố rằng Đảng Dân chủ quá mềm mỏng với vấn đề biên giới và Đảng này cần phải nhượng bộ quyết định xây dựng bức tường. Tuy nhiên, ông Trump cũng không nhận được đủ sự ủng hộ từ người Mỹ, và kéo Đảng Cộng hòa vào sự bế tắc chính trị khó giải quyết.
Bà May khẳng định rằng thỏa thuận Brexit là cách duy nhất để tuân thủ kết quả cuộc bỏ phiếu năm 2016, cho tới khi thỏa thuận này bị bác bỏ phũ phàng vào ngày hôm nay. Dù sao đi chăng nữa, bà May đang ở vị trí khó khăn hơn rất nhiều so với ông Trump và vấn đề đóng cửa chính phủ tạm thời.
Và khi bộ đôi Anh - Mỹ gặp càng nhiều rắc rối, ông Putin và nước Nga lại càng hưởng lợi nhiều hơn.
*Bài viết không thể hiện quan điểm của tòa soạn