Chính trị hóa các vụ án hình sự: Những chiêu trò xưa cũ

CTV Huy Tín/VOV.VN |

Trước vụ việc của ông Lưu Bình Nhưỡng, chiêu thức “chính trị hóa” các vụ án hình sự đã được thế lực thù địch sử dụng thường xuyên, lặp đi, lặp lại nhiều lần.

Như VOV đã thông tin, với bản tính chống phá quyết liệt, nhiều vụ án hình sự vừa qua ở Việt Nam đã bị các thế lực thù địch “chính trị hóa”, triệt để lợi dụng để chống phá. Chúng bẻ lái, xuyên tạc, áp đặt, cho đó là “vi phạm nhân quyền”, “vi phạm dân chủ”, “tranh giành quyền lực”, “thanh trừng phe nhóm”, “lỗi do độc đảng”... Một số vụ án đơn lẻ bị chúng thổi phồng, suy diễn lái vụ việc sang hướng quy kết thành những vấn đề chính trị của đất nước. Điển hình là vụ án liên quan ông Lưu Bình Nhưỡng - nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính trị hóa các vụ án hình sự: Những chiêu trò xưa cũ- Ảnh 1.

Tuy nhiên, trước vụ việc của ông Lưu Bình Nhưỡng, chiêu thức “chính trị hóa” các vụ án hình sự đã được chúng sử dụng thường xuyên, lặp đi, lặp lại nhiều lần. Đơn cử như một số vụ việc cụ thể như sau:

Chính trị hóa các vụ án hình sự: Những chiêu trò xưa cũ- Ảnh 2.

Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án giết người ở Đồng Tâm (Ảnh: Hùng Anh)

Từ năm 2013, tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức - Hà Nội, xuất hiện Nhóm “Đồng thuận” do ông Lê Đình Kình đứng đầu cùng một số người dân phản đối phương án dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp của chính quyền xã và tổ chức khiếu kiện liên quan đến đất đai trên địa bàn. Chúng đã lừa mị người dân tổ chức phát tờ rơi nói xấu, xúc phạm cán bộ; kêu gọi người dân không nhận đất sản xuất, không đi bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, lôi kéo họ nhiều lần tổ chức khiếu kiện liên quan đến “đòi đất” quốc phòng (sân bay Miếu Môn).

Mặc dù các nội dung khiếu nại, tố cáo đã được huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, Bộ Quốc phòng giải quyết và khẳng định diện tích đất tại khu vực "đồng Sênh" là đất quốc phòng, nhưng nhóm này vẫn không đồng tình, liên tiếp tổ chức các hoạt động gây phức tạp tình hình địa phương trong một thời gian dài. Chúng hoạt động có tổ chức, có kế hoạch và rất manh động; đã thực hiện “rào làng vũ trang”, cấu kết với các phần tử phản động, đe dọa chống phá chính quyền, chủ động tìm mua vũ khí như lựu đạn, dao, súng điện và làm hung khí có tính sát thương cao như tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm, bom xăng.., rắp tâm sát hại cán bộ xã, đe dọa gây nổ cây xăng.

Đỉnh điểm của vụ việc và cũng là tận cùng của tội ác mà ổ nhóm tội phạm “Đồng thuận” đã gieo rắc trên mảnh đất Đồng Tâm chính là hành vi sát hại 3 chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ, xảy ra trong ngày 9/1/2020. Với những tội ác của mình, chúng đã bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét xử tại các phiên sơ thẩm và phúc thẩm và 29 bị cáo đã bị tuyên phạt với những hình thức thích đáng, trong đó có 2 án tử hình; 1 án tù chung thân về các tội "Giết người", "Chống người thi hành công vụ". Nói lời sau cùng tại tòa, các bị cáo đều đã nhận thức được tội trạng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và mong được gia đình 3 chiến sĩ công an tha thứ.

Dẫu vậy, trong suốt quá trình phạm tội của Nhóm “Đồng thuận”, các thế lực phản động trong và ngoài nước đã cắt ghép, dàn dựng, cho ra đời hàng loạt sản phẩm từ bài viết đến hình ảnh, clip xuyên tạc chính quyền các cấp, kiểu như “Chính quyền coi dân như kẻ thù”, “luôn đối đầu, nhiều lần sử dụng bạo lực với dân”, “không thực hiện đối thoại”, đòi “chấm dứt dùng bạo lực dưới mọi hình thức trong việc giải quyết vấn đề đất đai với nhân dân Đồng Tâm và với tất cả các địa phương ở Việt Nam”; một số kẻ còn xuyên tạc trắng trợn: “Quân đội đồng lõa với chính quyền cướp đất đồng Sênh”, rằng “quân đội thu hồi đất để làm… sân golf”, đòi “phải trả lại quyền tư hữu đất đai cho mọi người dân Việt Nam”.

Lợi dụng những chuyện này, một số trang nhóm phản động còn bộc lộ rõ bản chất, đòi “phải thay đổi từ gốc rễ ở Hiến pháp và Luật Đất đai”, kêu gọi phải “xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai” và “xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng” để “giải quyết tận gốc vấn đề đất đai”! Chúng tung hô, cổ súy "Tinh thần Đồng Tâm", kêu gọi người dân địa phương vùng lên "Đồng Tâm rào làng tử thủ", kêu gọi "dân oan" các nơi kéo về “hỗ trợ Đồng Tâm”, thậm chí Phạm Đoan Trang và đồng bọn còn có cả cái gọi là “Tuyên bố Đồng Tâm”, kêu gọi quốc tế hà hơi, tiếp sức cho "Chảo lửa Đồng Tâm".

Khi vụ án được đưa ra xét xử, chúng đã bao che cho số đối tượng hung hãn, những kẻ tấn công người thi hành công vụ một cách dã man là “người dân chỉ tự vệ chính đáng”, có kẻ còn suy diễn đến lạc lõng: “vụ khởi tố này là bằng chứng cho thấy một sự đấu đá ở hậu trường”. Tột cùng của sự bỉ ổi, chúng cho rằng 3 cán bộ công an không hề hy sinh, cho đấy chỉ là thông tin được dựng lên. Tổ chức phản động, khủng bố Việt Tân còn ca ngợi những kẻ vi phạm pháp luật nghiêm trọng là “anh hùng dân tộc” và như thường lệ, Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) lại ra thông cáo “kêu gọi chính quyền Việt Nam phải mở một cuộc điều tra công khai và khách quan”.

Chính trị hóa các vụ án hình sự: Những chiêu trò xưa cũ- Ảnh 3.

Nguyễn Phương Hằng tại phiên xét xử sơ thẩm.

Ngày 24/3/2022, bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt tạm giam và sau đó bị xét xử về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Tại tòa, bà Hằng đã thừa nhận hành vi phạm tội, tự thấy “cái giá quá đắt, khiến bị cáo vô cùng hối hận”.

Điều đáng nói là, khi bà Hằng chưa bị tạm giam, truyền thông hải ngoại đã ra sức đơm đặt rằng, bà có thế lực chính trị hậu thuẫn nên được ngang nhiên phách lối; họ còn dựng chuyện cho rằng, vợ chồng bà Hằng là công cụ chính trị để các cơ quan công quyền ở Việt Nam tận dụng để tranh giành ảnh hưởng. Ngay sau ngày bị tạm giam, trang VietBF tại hải ngoại đã tung tin cho rằng bà Hằng bị bắt vì “trước đó vài ngày đã chửi ông Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Cộng sản tại Sài Gòn”. Khi thông tin đại chúng trích dẫn phát biểu chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 7 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng TAND tối cao và Ban cán sự Đảng VKSND tối cao với nguyên văn :“Chúng ta không bao giờ giải quyết một vấn đề gì dựa trên dư luận xã hội hay chạy theo dư luận xã hội, nhưng những vấn đề tác động lớn đến dư luận xã hội, liên quan đến nhiều người, có sự thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội và được lãnh đạo các cấp, đặc biệt lãnh đạo chủ chốt đã có chỉ đạo thì phải đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, tránh bị suy diễn”. Ngay lập tức, qua lăng kính của Đài Châu Á tự do RFA, sự chỉ đạo vĩ mô này đã được bẻ lái là: “Tuyên bố này cho thấy khi bắt bà Nguyễn Phương Hằng đã được Bộ Chính trị đồng ý”!

Với vụ việc Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" và việc truy tố ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho thấy pháp luật Việt Nam rất nghiêm minh, không có vùng cấm. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động đã coi đây là cơ hội lớn để bóp méo, xuyên tạc. Chúng tán phát các thông tin rất nhảm nhí: “Trịnh Văn Quyết là con rể cựu Thủ tướng Chính phủ”, bị “Bộ Công an ép tới đường cùng”, rằng “ông Quyết là mắt xích trọng yếu, sân sau của một phe cánh đang thất thế nên bị thanh trừng”.

Nực cười hơn cả là “tư duy” của một số đối tượng lưu vong cho rằng “do ngân sách cạn kiệt nên mới bắt giữ ông Trịnh Văn Quyết nhằm tịch thu tài sản để nuôi bộ máy”.

Một số trang mạng phản động còn cho rằng vụ FLC và Tân Hoàng Minh “là bằng chứng cho thấy cộng sản chuyên nuôi vỗ béo doanh nghiệp tư nhân để ăn thịt”. Trong vụ việc liên quan đến vụ Công ty Việt Á, chúng xuyên tạc rằng một thứ trưởng của Bộ Công an được nhận chức mới là do có công trong vụ này; rằng “vụ Việt Á được thâu tóm về Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng tiêu cực quản lý, tức là tạm thời đưa về đó để dàn xếp, hoạch định lại việc sắp xếp ghế cho hài hoà”, từ đó chúng xuyên tạc về công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước.

Ngày 15/3/2023, khi có thông tin 4 tiếp viên hàng không bị lực lượng Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất bắt quả tang vì hành vi mang ma túy từ Pháp về Việt Nam, chưa biết thực hư thế nào, chỉ vài tiếng sau, hàng loạt tài khoản mạng xã hội như Tinh hoa Việt, Đại Việt 24h, Tạp chí Hoa Kỳ, Aback, Nguyễn Văn Đài..., rồi Thoibao.de, Tiếng nói Hoa Kỳ, Tinh hoa nước Mỹ... hăm hở loan tin, hàm hồ khẳng định có nữ tiếp viên bị tạm giữ “là cháu của một lãnh đạo cấp cao”,  rằng “trùm cuối” vụ này là “phu nhân của một ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm”.

Chính trị hóa các vụ án hình sự: Những chiêu trò xưa cũ- Ảnh 4.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Khủng bố; Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; Che giấu tội phạm” xảy ra tại huyện Cư Kiun, tỉnh Đắk Lắk

Những ngày này, TAND tỉnh Đắk Lắk đang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với 100 bị cáo trong nhóm khủng bố tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu vào rạng sáng 11/6/2023 làm 4 cán bộ công an xã hy sinh, 2 cán bộ xã và 3 người dân thiệt mạng, 2 cán bộ công an xã trọng thương. Trong phần xét hỏi, các bị cáo đều đồng ý với bản cáo trạng mà đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Lắk đã công bố. Phần lớn các bị cáo cho rằng, việc tham gia vào nhóm khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân để thành lập cái gọi là “Nhà nước Đêga” do các đối tượng cầm đầu dụ dỗ, lôi kéo, hứa hẹn cho tiền. Nhiều bị cáo sau khi nhận ra được việc làm này là sai trái, không đúng, không theo thì bị các đối tượng cầm đầu đe dọa giết chết cả nhà hoặc trừng phạt cá nhân nên buộc phải đi theo.

Dẫu vậy, ngay sau khi vụ án xảy ra, nhiều báo chí nước ngoài, các trang mạng phản động đã tung ra nhiều thông tin sai sự thật, đánh tráo bản chất, hướng vụ án vào việc đổ lỗi cho chính quyền, kích động tâm lý kỳ thị dân tộc với các luận điệu như “Sau biến cố 30/4/1975, Tây Nguyên bước vào kỷ nguyên bị phá vỡ”; “Người Kinh đang đối xử với các sắc tộc Tây Nguyên hơn cả thực dân”. Đài VOA thì cho rằng “Người Thượng tấn công chính quyền vì tức nước vỡ bờ”, và “khi bị đẩy vào bước đường cùng thì người dân không còn cách nào khác là phải sẵn sàng đối diện với cái chết để làm liều”. Khi vụ án được đưa ra xét xử, để bao che cho những hành vi tội lỗi của những kẻ sát nhân máu lạnh, chúng thản nhiên phán rằng “đa số họ là người vô tội”, từ đó vu cáo: “chính quyền nghi ai, ghét ai thì họ đều bắt hết”!

Có thể thấy, chuyện một số tổ chức, hội nhóm phản động như Việt Tân, Hội anh em dân chủ; các hãng truyền thông hải ngoại vốn thiếu thiện chí với Việt Nam như RFA, RFI, VOA… lợi dụng việc cơ quan điều tra khởi tố, điều tra các vụ án để đăng tải các thông tin bịa đặt, xuyên tạc bản chất vụ việc đã không còn xa lạ. Chúng rắp tâm “chính trị hóa” các vụ án này để nhằm tới mục đích xuyên suốt lâu nay là chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ở Việt Nam; gây bất ổn, phá hoại cuộc sống bình yên của chúng ta. Những luận điệu bóp méo, quy chụp này thêm một lần nữa cho thấy rõ bộ mặt của những thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị.

Mời độc giả đón xem bài 3 trong loạt bài “Cảnh giác với chiêu trò chính trị hóa các vụ án hình sự” đăng trên VOV.VN ngày 19/1.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại