Tân Hoa Xã đưa tin, dự thảo "Sửa đổi hiến pháp nước CHND Trung Hoa" đã được bỏ phiếu thông qua tại phiên toàn thể lần thứ ba, trong khuôn khổ kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 13.
Ngoài điều khoản sửa đổi về giới hạn nhiệm kỳ đối với chức Chủ tịch Trung Quốc, dự thảo tu chính án này còn thông qua việc triển khai một cơ quan chống tham nhũng cấp quốc gia, nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, và ghi vào hiến pháp "Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong Thời đại mới".
Các đại biểu Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu theo hình thức truyền thống, với lá phiếu gồm ba lựa chọn đối với dự thảo sửa đổi hiến pháp: Thuận, chống, và Bỏ quyền.
Kết quả kiểm phiếu của 2964 đại biểu tham gia biểu quyết cho thấy có 2958 phiếu thuận (chiếm hơn 99.7%), 2 phiếu chống, 3 phiếu trắng và 1 phiếu không hợp lệ. Phóng viên các hãng thông tấn Trung Quốc và nước ngoài - ngồi ở tầng hai của Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh - đã được yêu cầu rời khỏi hội trường trong khoảng 5 phút các đại biểu điền phiếu, sau đó toàn bộ quá trình bỏ phiếu đã được công khai.
Tờ Zaobao mô tả, sau khi ông Tập Cận Bình - Tổng bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch Quân ủy trung ương, Chủ tịch nước Trung Quốc - bỏ lá phiếu màu hồng vào hòm phiếu, toàn hội trường đã vỗ tay nhiệt liệt. Sau đó, các ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc lần lượt bỏ phiếu.
Ông Tập Cận Bình bỏ phiếu về dự thảo Sửa đổi hiến pháp Trung Quốc ngày 11/3/2018 (Ảnh: Reuters)
Đề xuất sửa đổi hiến pháp - được công bố chính thức ngày 25/2 bởi trung ương ĐCSTQ - đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận Trung Quốc và quốc tế, bởi đề xuất mở ra cơ hội để ông Tập Cận Bình tiếp tục nắm giữ vai trò nguyên thủ nước này trong nhiệm kỳ từ năm 2023.
Trước khi sửa đổi, hiến pháp Trung Quốc quy định Chủ tịch và Phó chủ tịch nước không làm quá hai nhiệm kỳ 5 năm. Trong khi đó, lãnh đạo tối cao Trung Quốc đồng thời giữ chức Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy trung ương và Chủ tịch nước - được gọi là hệ thống "tam vị nhất thể", nhưng hai chức vụ đầu tiên không bị giới hạn về quy định nhiệm kì.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc bình luận, việc bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước "sẽ giúp duy trì hệ thống 'tam vị' và củng cố vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ đối với đất nước".
Trung Quốc từng sửa đổi hiến pháp bốn lần trước đó vào các năm 1988, 1993, 1999 và 2004.
Kết quả bỏ phiếu tại phiên họp của Quốc hội Trung Quốc chiều 11/3 (Ảnh: Zaobao)
Tổng quan lịch trình làm việc của ông Tập Cận Bình tại Lưỡng hội 2018