Chính thức thông xe cầu Thăng Long sau 6 tháng dừng hoạt động để sửa chữa

Lê Hữu Việt |

Sáng 7/1/2021, việc sửa chữa mặt đường tầng 2 cầu Thăng Long (Hà Nội) đã hoàn thành và chính thức thông xe đưa vào sử dụng, sau 6 tháng phải đóng cầu để sửa chữa. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phát lệnh thông xe.

Theo Tổng cục Đường bộ, sau khi được sửa chữa, khả năng chịu lực của cầu sẽ tăng gấp 3 lần so với trước đây. Thời gian tới, công nghệ này sẽ được sử dụng nhiều hơn trong việc sửa chữa các kết cấu hạ tầng giao thông.

Việc hoàn thành sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ khớp nối đồng bộ với tuyến Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, tạo thành trục giao thông xuyên suốt kết nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài và khu vực lân cận. Dự án vượt tiến độ 10 ngày so với hợp đồng.

Chính thức thông xe cầu Thăng Long sau 6 tháng dừng hoạt động để sửa chữa - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát lệnh thông xe cầu Thăng Long.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, việc hoàn thành sửa chữa mặt cầu Thăng Long có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt vào dịp đầu năm 2021 và chuẩn bị Tết Nguyên đán, giúp giảm ùn tắc giao thông. Theo quy hoạch tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050 của Thủ đô Hà Nội là phát triển lên phía Bắc sông Hồng, để giảm tải cho khu vực phía Nam Thủ đô.

Theo quy hoạch, sẽ có 11 cầu và hầm bắc qua sông Hồng, trong đó cầu Thăng Long giữ vị trí quan trọng không chỉ với Hà Nội mà còn kết nối các tỉnh phía Bắc và phía Nam.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Hà Nội để bàn giao công trình, đảm bảo khai thác hiệu quả, an toàn cầu Thăng Long. Trong đó cần lưu ý đặc biệt tới việc kiểm soát tải trong xe qua cầu, để đảm bảo không để xe quá tải hoạt động, duy trì an toàn và chất lượng mặt cầu. Đồng thời, Bộ GTVT cũng cần nghiên cứu để áp dụng công nghệ này cho các công trình giao thông khác.

Theo ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, cầu Thăng Long nối với vành đai 3 là một trong các tuyến đường huyết mạch của Thủ đô, với lưu lượng giao thông lớn. Việc hoàn thành sửa chữa mặt cầu sẽ đảm bảo giao thông đồng bộ trên tuyến vành đai 3, giảm tải cho cầu Nhật Tân, tạo sự liên kết giữa các vùng.

Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu Sở GTVT, Phòng Cảnh sát giao thông, các quận/huyện tiếp tục phối hợp với Tổng cục Đường bộ trong tổ chức khai thác dự án, trong đó có công tác kiểm soát tải trọng xe để đảm bảo tuổi thọ công trình.

Chính thức thông xe cầu Thăng Long sau 6 tháng dừng hoạt động để sửa chữa - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ GTVT và TP Hà Nội cắt băng thông xe cầu Thăng Long.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này có vốn đầu tư hơn 242,8 tỷ đồng, bằng công nghệ mới khác với lần sửa chữa năm 2009.

Theo đó, đơn vị thi công tiến hành cào bóc và làm sạch mặt bản thép của cầu, sau đó hàn đinh neo Plasma, tạo lưới thép và đổ bê tông siêu tính năng UHPC. Sau đó mặt cầu được rải lớp keo chống thấm và bám dính trước khi thảm bê tông nhựa tạo nhám lên trên.

Theo tính toán, lóp bê tông UHPC sẽ có tuổi thọ lên tới trên 30 năm, còn lớp bê tông nhựa tuổi thọ từ 5-10 năm. Toàn bộ quá trình thi công mặt cầu được lắp mái che để không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình.

Hệ thống khe con giãn mặt cầu Thăng Long cũng được thay mới, với vật liệu nhập từ Thụy Sỹ, có tuổi thọ 30 năm.

Chính thức thông xe cầu Thăng Long sau 6 tháng dừng hoạt động để sửa chữa - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ GTVT và TP Hà Nội đi thực tế kiểm tra mặt cầu Thăng Long sau khi sửa chữa đưa vào sử dụng.

Để bảo vệ kết cấu hạ tầng công trình giao thông cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm soát tải trọng xe.

Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm soát tải trọng đối với các phương tiện lưu thông qua cầu Thăng Long-đường Vành đai 3, đường Võ Văn Kiệt.

Vị trí đặt cân và kiểm tra tải trọng xe tại Km1+00 đường Võ Văn Kiệt (chiều đường sân bay Nội Bài đi cầu Thăng Long, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Công tác phối hợp kiểm soát tải trọng xe được thực hiện 24/7, phân thành 3 ca trực hàng ngày.

Chính thức thông xe cầu Thăng Long sau 6 tháng dừng hoạt động để sửa chữa - Ảnh 4.

Sau lần sửa chữa năm 2009 với số tiền hơn 90 tỷ đồng, mặt cầu Thăng Long liên tục hư hỏng kéo dài, nên lần sửa chữa này Bộ GTVT phải sử dụng công nghệ khác, với giá trị đầu tư hơn 242 tỷ đồng.

Chính thức thông xe cầu Thăng Long sau 6 tháng dừng hoạt động để sửa chữa - Ảnh 5.

Tầng 2 cầu Thăng Long chính thức đưa vào sử dụng sau 6 tháng phải đóng cầu để sửa chữa.

Chính thức thông xe cầu Thăng Long sau 6 tháng dừng hoạt động để sửa chữa - Ảnh 6.

Cầu Thăng Long đưa vào sử dụng giúp nối thông với tuyến đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được đưa vào sử dụng trước đó, đảm bảo nối thông giữa nội đô Hà Nội với sân bay Nội Bài và các tỉnh phía Bắc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại