Cải lão hoàn đồng!
Trong vài năm gần đây Quân chủng PK-KQ đã được đầu tư lớn, tự sản xuất được và nhập khẩu nhiều loại radar cảnh giới nhìn vòng hiện đại như 36D6M1-1, 36D6M1-2, RV-02, E/LM-2288ER,... từ nhiều nguồn cung, kết hợp cùng các loại radar cũ hơn đã tạo nên "lưới trời" liên hoàn, hiểm hóc, đảm bảo phủ kín không gian.
Từng một thời được mệnh danh là những "mắt thần hiện đại nhất" của Bộ đội radar Việt Nam, các tổ hợp radar tầm xa Neob-UE (55Zh6) và tầm trung 1L13-3 (Nebo-SV) sau nhiều năm sử dụng đã tới lúc cần phải được nâng cấp, hiện đại hóa, giúp cho mắt thần thêm sáng, kéo dài tuổi thọ thêm vài chục năm nữa.
Radar Nebo-UE (55Zh6). Ảnh: QĐND
Đứng trước yêu cầu bức thiết ấy, sau 3 năm tích cực triển khai, đến nay "Dự án nâng cấp, hiện đại hóa và tăng hạn sử dụng các đài radar cảnh giới hiện đại 55Zh6 (Nebo-UE) và 1L13-3 (Nebo-SV)" do Nhà máy Z119 thực hiện đã đạt được kết quả mỹ mãn.
Do đã làm chủ hoàn toàn công nghệ, các chuyên gia của Nhà máy Z119 đã can thiệp sâu vào từng chi tiết của bảng mạch, module kỹ thuật số, nâng cao độ tin cậy của mảng mạch.
Sau khi hiện hóa, cả 4 đài radar (2 Nebo-UE và 2 Nebo-SV) đều khôi phục được toàn bộ tính năng kỹ chiến thuật, tăng tuổi thọ sử dụng và đặc biệt là tiết kiệm được tối đa ngân sách do không phải đưa đi sửa chữa ở nước ngoài.
Chỉ riêng tiền vận chuyển 4 bộ radar này ra nước ngoài bằng máy bay (ước chừng phải cần 8 lần chuyến bay của siêu vận tải cơ An-124 đi và về) cũng phải ngốn tới cả trăm nghìn USD.
Còn nếu vận chuyển bằng đường biển thì sẽ tiết kiệm hơn nhưng thời gian hải trình rất lâu, trong khi lực lượng phòng không của ta vẫn phải ngày đêm cảnh giới bầu trời, chỉ có thể luân phiên đưa từng bộ radar về nhà máy nâng cấp, sửa chữa.
Hội đồng nghiệm thu nghe báo cáo. Ảnh: Báo PKKQ.
Mắt thần thêm sáng
Bộ đôi radar Nebo-UE và Nebo-SV không chỉ là "bảo bối" chấn sơn của Quân chủng PK-KQ Việt nam mà từng một thời là đồ gia bảo của Nga và một số nước Đông Âu khác nhờ tính năng cảnh giới đường không hoàn hảo, tầm xa, đảm bảo không bỏ lọt hoặc hoang báo các mục tiêu bay ở mọi độ cao.
Với Việt Nam, trước khi tiếp nhận các đài radar thế hệ mới, cách đây chừng 5-7 năm rõ ràng các đài radar kể trên thuộc loại hiện đại nhất, góp phần quan trọng canh giới bầu trời, "không để Tổ quốc bị bất ngờ bởi những tình huống từ trên không".
Sau khi sửa chữa nâng cấp, các radar này đã khôi phục lại được toàn bộ các tính năng ưu việt, hoạt động chính xác và tin cậy hơn. Cụ thể:
Đối với đài Nebo-UE, nó được đánh giá là một trong những đài radar VHF băng sóng mét tốt nhất thế giới, có khả năng phát hiện máy bay tàng hình ở cự ly xa, đang được bố trí dày đặc quanh thủ đô Moscow (Nga) nhằm cảnh giới xa và chỉ thị mục tiêu cho các tổ hợp tên lửa phòng không S-300/400.
Nebo-UE có khả năng chống nhiễu tốt, chuyên dùng phát hiện các mục tiêu vũ trụ (tên lửa đường đạn) trên đoạn đầu và đoạn cuối quỹ đạo của chúng và các mục tiêu bay cỡ nhỏ có hệ số phản xạ điện từ thấp như máy bay tàng hình, tên lửa hành trình; bám sát tự động, phân biệt địch ta, nhận dạng kiểu loại, ...
Với mục tiêu là máy bay chiến đấu, khi bay ở độ cao lớn có thể bị Nerbo-UE "tóm sống" từ cự ly 400km, còn tên lửa hành trình siêu thanh bay ở độ cao lớn cũng không thể lọt khỏi tầm quét và bị phát hiện từ cự ly không dưới 300km
Đối với radar Nebo-SV, là đài radar cảnh giới tầm trung xa 2 tham số (cự ly và phương vị), có khả năng phát hiện các mục tiêu bay, kể cả máy bay tàng hình, tên lửa hành trình có diện tích phản xạ radar nhỏ từ cự ly tới 330 km, độ cao tới 40 km.
Radar Nebo-SV (1L13-3) được sửa chữa tăng hạn tại Nhà máy Z119.
Radar Nebo-SV với toàn bộ thiết bị và hệ thống phát điện độc lập đồng bộ cơ hữu được đặt trên khung gầm các xe tải việt dã 3 cầu chủ động như Ural-4320 hoặc thùng kéo.
Cấu hình trên cho phép cơ động trên mọi địa hình và triển khai tại các trận địa bất kỳ mà không cần chuẩn bị trước hay phải mang kèm theo các phương tiện trợ giúp.
Thời gian triển khai tương đối nhanh, không quá 45 phút cho phép bất ngờ xuất hiện và tung cánh sóng phát hiện mục tiêu ở những nơi mà kẻ địch không ngờ tới.
Cả 2 đài radar đều sử dụng băng sóng mét, có tính năng gần tương đương nhau, nhưng Nebo-SV hơn hẳn Nebo-UE ở khả năng cơ động cũng như thời gian triển khai thu hồi.
Chúng phối hợp và bổ sung rất tốt cho nhau trong mạng radar cảnh giới tầm xa không chỉ của Lực lượng Phòng không - Không quân (PK - KQ) Nga mà còn cả ở Việt Nam.