Như đã đưa tin, ngày hôm nay (10/4) các chuyên gia trong dự án EHT (Event Horizon Telescope - Kính thiên văn chân trời sự kiện) sẽ công bố một phát hiện chấn động mang tầm vóc thế kỷ về hố đen vũ trụ.
Dành cho những ai chưa biết, dự án EHT đã được khởi động từ năm 2006 để tạo ra bức ảnh đầu tiên trong lịch sử về cái gọi là "hố đen vũ trụ". Đây vốn được xem là điều cực kỳ khó khăn, vì hố đen sở hữu lực hấp dẫn cực kỳ lớn, cho phép nó hút được cả ánh sáng vào trong.
Để giải quyết được câu chuyện này, EHT sẽ quan sát khu vực "chân trời sự kiện" - event horizon - ranh giới trước khi một vật chất bị hố đen hút gọn và không thể quay trở lại được nữa.
Dự án hướng đến 2 siêu hố đen khổng lồ trong vũ trụ, đầu tiên là Sagittarius A, nằm tại trung tâm Dải Ngân hà của chúng ta. Nó có khối lượng lớn gấp 4 triệu lần Mặt Trời, nằm cách ta 26.000 năm ánh sáng. Thứ 2 là M87, nằm tại trung tâm thiên hà Virgo A cạnh chúng ta. Nó có khối lượng gấp 3,5 triệu lần Mặt Trời, cách ta 54 triệu năm ánh sáng.
Để lấy được hình ảnh của 2 hố đen này cũng khó ngang ngửa việc bạn từ mặt đất mà muốn chụp ảnh quả bóng tennis nằm trên cung trăng. Quả bóng ấy lại còn bị vùi dưới một lớp bụi dày nữa cơ.
Nhưng họ thực sự đã làm được rồi. Dưới đây chính là bức hình đầu tiên về "hố đen vũ trụ" trong lịch sử của loài người.
"Einstein cũng không thể tưởng tượng được những gì mà chính ông đã tìm ra. Để có được bức ảnh mà vị thiên tài đã nghĩ đến từ 100 năm trước, chúng ta cần 40 quốc gia cùng hợp lực." - Carlos Moedas, chuyên gia từ Hội đồng nghiên cứu Châu Âu chia sẻ một cách đầy phấn khích.
"Hôm nay là ngày thực sự quan trọng và có ý nghĩa với chúng tôi."
Bức ảnh trên được gọi là "đĩa bồi tụ" - accretion disc, và nó được xem là "cái bóng" của hố đen, nằm tại khu vực chân trời sự kiện.
"Trẻ con giờ cũng biết đến hố đen, nên định nghĩa hố đen theo cách của trẻ con có lẽ là hợp lý nhất. Đó là một cái hố không thể lấp đầy," - trích lời tiến sĩ Luciano Rezzolla từ ĐH Goethe (Frankfurt, Đức).
"Bạn có thể thắc mắc tại sao chúng ta biết đó là một hố đen? Đơn giản thôi, đó là vì nó khớp với toàn bộ lý thuyết về hố đen mà loài người biết đến." Trên thực tế, chúng ta đã từng dựng hàng vạn phiên bản dự đoán về hình dạng của hố đen, và một số thực sự khá tương đồng với những gì EHT đã chụp được.
Theo Eduardo Ros - chuyên gia từ ĐH Granada thì điều quan trọng nhất để thu được ảnh là sử dụng dữ liệu từ các kính tiềm vọng nằm ở khu vực có khí quyển khô và mỏng, nhằm tránh bị nhiễu loạn. Họ cần đặc biệt chú ý đến điều kiện thời tiết, và luôn sẵn sàng quan sát trong từng giai đoạn.
Trong vòng 4 ngày quan sát, vòng sáng kia vẫn không mất đi, chứng tỏ rằng đó là một vật thể tồn tại ổn định - Monika Moscibrodzka từ ĐH Radboud giải thích. Tuy nhiên, vòng sáng dường như đang quay, và có thể là theo chiều kim đồng hồ.
Được biết, bức ảnh trên thuộc về hố đen M87. Hình ảnh về hố đen Sagittarius A sẽ xuất hiện trong vài ngày tới.
Tham khảo: CNN, Science Alert