Tiểu Cường (2 tuổi rưỡi) sống tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Bố mẹ luôn chú trọng đảm bảo dinh dưỡng cho cậu bé. Nhưng chính vì điều đó đã vô tình ảnh hưởng nghiêm trọng đến răng miệng của cậu bé.
Trước khi Tiểu Cường được 1 tuổi, bố mẹ đều đặn cho Tiểu Cường uống sữa 2 lần vào mỗi tối. Do đó răng miệng của Tiểu Cường không tốt, cậu bé không thích ăn trái cây và thức ăn cứng.
Sau 1 tuổi, mỗi ngày Tiểu Cường đều được bố mẹ cho uống nước trái cây. Dạo gần đây, khi bà nội đưa Tiểu Cường đến bệnh viện khám, bác sĩ phát hiện toàn bộ răng sữa của cậu bé đã hư hỏng nghiêm trọng.
Bác sĩ Vinh, khoa răng miệng, công tác tại bệnh viện Wuhan No.1 Hospital, giải thích: "Nước trái cây có tính chua, ngọt và dính.
Khi trẻ uống nước trái cây, chất dính sẽ bám vào kẽ răng của trẻ. Vi khuẩn trong răng miệng sẽ chuyển hóa chất ngọt làm thức ăn của chúng, chúng sẽ phân giải chất ngọt tạo ra axit và bào mòn canxi của răng.
Đấy là nguyên nhân gây ra tình trạng hư hỏng răng khi trẻ uống quá nhiều nước trái cây".
Bác sĩ Vinh cho biết: "Điều kiện sống ngày nay đã cải thiện, đáng lý tình trạng hư hỏng răng của trẻ phải giảm thiểu.
Nhưng ngược lại, thực trạng đáng buồn đang ngày càng gia tăng. Các bậc cha mẹ đã nuôi dạy trẻ theo cách sai lầm, họ cho trẻ tiêu thụ nhiều thực phẩm đã qua chế biến công nghiệp.
Khi trẻ hấp thu nhiều thực phẩm có lượng đường cao ngất ngưởng như nước trái cây, nước ngọt, bánh ngọt, bánh quy, răng miệng của trẻ sẽ ngày càng hư hỏng nghiêm trọng".
Bác sĩ Vinh nhắn nhủ: "Răng sữa hư hỏng sớm sẽ gây ra tình trạng rụng răng.
Khi răng vĩnh viễn mọc chậm sẽ dẫn đến triệu chứng đau răng, viêm lợi, mặt sưng tấy, thậm chí trẻ sẽ bị sốt cao. Bởi vậy trẻ cần phải hạn chế tiêu thụ đồ ngọt và chăm sóc răng miệng thật tốt.
Đối với trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ nên dùng băng gạc hoặc vải mỏng tẩm nước muối sinh lý để vệ sinh răng miệng cho trẻ. Khi trẻ đã lớn dần, bố mẹ cần tập cho trẻ thói quen đánh răng để giữ gìn răng miệng sạch sẽ".
Bác sĩ Vinh chia sẻ: "Trẻ có thể uống nước trái cây nhưng trong giới hạn cho phép, hoặc trẻ nên ăn thêm chất xơ và rau củ như ngô, dưa chuột, cà chua.
Thông qua hành động nhai thức ăn, răng của trẻ sẽ được kích thích ma sát và răng trở nên chắc khỏe – đây cũng là cơ chế tự làm sạch của răng".