Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11-2018

Vy Thư |

Nhiều quy định, thông tư mới liên quan đến giáo dục, y tế, ngân hàng, bán hàng đa cấp... có hiệu lực từ tháng 11-2018.

Ngân hàng không được tùy tiện cung cấp thông tin khách hàng

Có hiệu lực từ ngày 1-11, Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định tương đối chặt chẽ việc bảo vệ bí mật, thông tin khách hàng tại các ngân hàng.

Theo đó, ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin khách hàng trong 2 trường hợp: Có sự chấp thuận của khách hàng; tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng được quy định tại bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Ngân hàng không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng (mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập…) cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng theo đúng mục đích, nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo quy định hoặc khi được sự chấp thuận của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin…

Hiến máu tình nguyện được nhận quà là dịch vụ khám chữa bệnh

Chế độ hỗ trợ đối với người hiến máu, bao gồm cả hiến máu lấy tiền và hiến máu tình nguyện không lấy tiền sẽ được áp dụng theo Thông tư 20/2018/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 1-11.

Riêng đối với người hiến máu toàn phần tình nguyện được lựa chọn nhận quà tặng là dịch vụ khám chữa bệnh thay vì chỉ được nhận quà tặng bằng hiện vật như trước đây.

Giá trị tối thiểu của quà tặng như sau: 100.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 250 ml; 150.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 350 ml; 180.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 450 ml.

Hỗ trợ chi phí đi lại đối với người hiến máu tình nguyện bình quân tối đa là 50.000 đồng/người/lần hiến máu.

Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục

Có hiệu lực từ ngày 15-11, Nghị định 127/2018/NĐ-CP quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo các bộ, UBND các cấp, chủ tịch UBND các cấp.

Trong đó, giao UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; bảo đảm đủ biên chế công chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, tiến tới tổ chức học 2 buổi/ngày đối với giáo dục tiểu học, THCS.

Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, thu hồi quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên, chuyển đổi loại hình đối với các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục theo quy định, bao gồm: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS, trường phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm học tập cộng đồng và các cơ sở giáo dục khác thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của UBND cấp huyện.

Trường mầm non ở TP có diện tích tối thiểu 8 m2/trẻ

Đây là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định 135/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 20-11.

Cụ thể, trường mẫu giáo, mầm non và nhà trẻ phải được đặt tại khu dân cư bảo đảm các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường; bảo đảm diện tích bình quân tối thiểu 12 m2 cho một trẻ em đối với khu vực đồng bằng, trung du và 8 m2 cho một trẻ đối với khu vực TP, thị xã, núi cao và hải đảo.

Đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, phải có giáo viên trình độ đạt chuẩn; diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ ít nhất 1,5 m2 cho một trẻ, có chỗ chơi, hàng rào, cổng bảo vệ an toàn; có chiếu hoặc thảm ngồi chơi, giường ngủ, chăn gối màn để ngủ...

Tại những nơi chưa có mạng lưới trường mầm non đáp ứng yêu cầu, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhưng phải đăng ký hoạt động với UBND xã, số lượng tối đa chỉ 7 trẻ.

Tăng mức phạt hành vi bán hàng đa cấp bất chính

Có hiệu lực từ ngày 25-11, Nghị định 141/2018/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 80-100 triệu đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi bán hàng đa cấp (BHĐC) bất chính sau: Yêu cầu người khác đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia BHĐC; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia BHĐC; cho người tham gia BHĐC nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động BHĐC mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó...

Phạt gấp 2 lần mức phạt trên nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, TP trở lên.

Ngoài ra, cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC bị phạt từ 20-25 triệu đồng; cá nhân tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC bị phạt từ 30-40 triệu đồng; cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC thu lợi bất chính đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác đến dưới 500 triệu đồng bị phạt từ 40-50 triệu đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại