Chính sách "hướng Đông" của Nga thất bại vì Trung Quốc?

Hải Võ |

Trong khi quan hệ Nga-phương Tây rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh , sách lược "xoay trục châu Á" của chính quyền Tổng thống Nga Putin cũng chưa có kết quả.

Trong bài viết "Vì sao Nga xoay trục sang châu Á thất bại?" đăng trên tạp chí The Diplomat, tác giả Catherine Putz giải thích nguyên nhân cơ bản nhất của kết quả này là: Nga cần Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh có nhiều lựa chọn khác.

Ở bề nổi, khái niệm "xoay trục châu Á" của Nga là không khó lý giải, đặc biệt trong bối cảnh Moscow và Bắc Kinh đã mở rộng mối quan hệ hợp tác trong vài năm qua.

Tuy nhiên, các phân tích chỉ ra rằng, chính sách "hướng Đông" cho đến nay đã không đem lại cho Nga những lợi ích thực chất.

Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Carnegie Moscow (Nga) cho rằng chính sách xoay trục "không đưa Nga tới đâu".

Ông nói: "Hai năm sau khi quan hệ giữa Kremlin và phương Tây rạn nứt, kỳ vọng xây dựng các mối quan hệ mới ở châu Á để bù đắp lại tổn thất của Moscow đã không trở thành hiện thực."


Quy mô thương mại hai chiều Nga-Trung năm 2015 giảm 27.8% so với 2014, còn 64.2%. (Ảnh: Sputnik)

Quy mô thương mại hai chiều Nga-Trung năm 2015 giảm 27.8% so với 2014, còn 64.2%. (Ảnh: Sputnik)

Nguyên nhân cốt lõi khiến Nga thất bại là gì?

Theo Catherine Putz, điều đáng quan tâm là động cơ của Moscow và Bắc Kinh khi thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương.

Mối quan hệ đi xuống (cả về thương mại) với châu Âu buộc Nga tìm kiếm các đối tác mới. Thỏa thuận cung cấp khí đốt trị giá 400 tỉ USD mà hai nước ký kết tháng 5/2014 chính là mở đầu của chiến dịch "hướng Đông".

"Nhưng ma quỷ thường ẩn trong những tiểu tiết", bà Putz viết.

Thực tế là Nga đã phải "hạ mình" bán khí đốt cho Bắc Kinh với giá thấp hơn các nước châu Âu bỏ ra. Không chỉ vậy, việc xây dựng cơ sở hạ tầng để thực hiện thỏa thuận này đã bị trì hoãn suốt 2 năm qua.

Nga cần Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh lại có nhiều lựa chọn hơn.

Trong một vài trường hợp cụ thể, như Turkmenistan, tổn thất của Nga lại mang về lợi ích cho Trung Quốc.

Vài năm qua, lượng khí đốt mà nước này bán cho Nga (để bán lại sang châu Âu) đã "tuột dốc không phanh".

Hồi tháng 1, Gazprom đã tuyên bố ngừng toàn bộ giao dịch với Turkmenistan, sau khi quy mô giao dịch từ đỉnh cao 40 tỉ mét khối khí đốt năm 2008 rơi xuống 4 tỉ khối năm 2015.

Turkmenistan đã "chuyển dịch" lượng giao dịch này cho Trung Quốc. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, quốc gia này cung cấp cho Bắc Kinh 10.6 tỉ mét khối khí đốt, tăng 33% so với cùng kỳ 2015.

Đường ống dẫn khí Trung Á-Trung Quốc hiện đã có 3 đường ống vận hành và đường ống thứ tư đang trong quá trình xây dựng, dự kiến nâng quy mô lên 85 tỉ mét khối khí/năm.

Gabuev chỉ ra rằng Moscow dường như "bất lực" trong nỗ lực hợp tác với các tổ chức tài chính châu Á, dẫn chứng bằng thành công lớn nhất tính đến thời điểm này chỉ là khoản vay 2 tỉ USD mà các ngân hàng Trung Quốc dành cho tập đoàn Gazprom của Nga.

Nguyên nhân rất rõ ràng, Gabuev cho biết. Thì ra ngay cả nhóm 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc cũng đã nghe theo các lệnh cấm vận của phương Tây, bất chấp chính phủ Trung Quốc đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt.

Lựa chọn giữa việc tăng thị phần ở thị trường Nga với nhiều rủi ro và cơ hội nâng vị thế ở các thị trường quy mô, ổn định như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), các nhà băng Trung Quốc không khó đưa ra quyết định.

Một quan hệ "đối tác chiến lược" được củng cố giữa Nga-Trung đã không loại bỏ được thái độ dè chừng về tài chính.


Đường ống dẫn khí Trung Á-Trung Quốc, công cụ đắc lực trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung của Bắc Kinh. (Ảnh: CNPC)

Đường ống dẫn khí Trung Á-Trung Quốc, công cụ đắc lực trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung của Bắc Kinh. (Ảnh: CNPC)

Theo Alexander Gabuev, chính sách xoay trục châu Á của Nga chủ yếu nhằm vào Trung Quốc, trong khi vai trò các quốc gia khác khá mờ nhạt.

Ông tin rằng Moscow sẽ duy trì chiến lược này chừng nào nền kinh tế Nga còn khó khăn và quan hệ với châu Âu căng thẳng.

Nga-Trung vẫn chia sẻ những lợi ích chiến lược và tình trạng kém hiệu quả của việc "xoay trục" không ảnh hưởng đến lập trường ủng hộ về chính trị của Bắc Kinh đối với Moscow - Gabuev đánh giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại