Chương trình nhằm giới thiệu và giải đáp những thắc mắc để doanh nghiệp, người lao động và người dân hiểu rõ về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và TPHCM; về quyền, nghĩa vụ hợp pháp và điều kiện, thủ tục để nhận hỗ trợ này.
Theo ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động Tiền lương Bảo hiểm xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 với gói hỗ trợ an sinh xã hội khoảng 62.000 tỷ đồng; Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về công tác phòng chống dịch Covid-19 và cho chủ trương về một số chế độ để phục vụ công tác phòng chống dịch; hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP đều hướng đến các giải pháp khắc phục những ảnh hưởng do dịch gây ra trong hoạt động của các doanh nghiệp và đời sống việc làm của công nhân, người lao động.
Tại chương trình tư vấn trực tuyến, nhiều người lao động đã hỏi về việc hỗ trợ các trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; các trường hợp hộ kinh doanh (có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm) cá thể tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1-4…
Về vấn đề này, ông Cường cho rằng, các trường hợp nêu trên đều được hỗ trợ 1 triệu đồng/người hoặc hộ/tháng và cũng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6).
Riêng người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động (theo khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động) trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng.
Với trường hợp này, ông Cường cho biết, lãi suất được áp dụng là 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
Tương tự, Nghị quyết 02 của HĐND TP hướng đến nhiều hoạt động phòng chống Covid-19, trong đó có giải pháp hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do tác động bởi dịch bệnh với mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, LĐLĐ TP, cho biết, đối tượng được áp dụng là người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của nhà nước), bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ.
Thời gian hỗ trợ tính theo số ngày thực tế mà người lao động bị mất việc và tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6.
Để tránh việc trùng lắp trong hỗ trợ, ông Trần Văn Triều cũng giải thích thêm, với các trường hợp đã nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 02, nhưng sau đó bổ sung đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 42 thì được chuyển sang nhận mức hỗ trợ cao hơn. “Đủ điều kiện nào thì chi hỗ trợ theo điều kiện đó.
Tuy nhiên, tất cả các trường hợp chỉ được nhận 1 trong 2 mức hỗ trợ theo quy định”, ông Triều nhấn mạnh.